Bão Kong-rey hướng vào Trung Quốc, lũ tàn phá Tây Ban Nha

Bão có sức gió tối đa 184 km/giờ (cấp 16 theo thang sức gió Beaufort mở rộng mà Việt Nam sử dụng), giật 227 km/giờ.

Đối với Đài Loan, đây là cơn bão đầu tiên từ trước tới nay tấn công vào nửa sau của tháng 10, cũng là cơn bão có bán kính gió cực đại lớn nhất trong 3 thập kỷ qua, lên tới 320 km.

Theo trang Focus Taiwan, bão Kong-rey di chuyển nhanh băng qua đất liền Đài Loan trong chiều cùng ngày, gây mưa xối xả và gió mạnh, dẫn đến mất điện, lũ lụt và lở đất trên khắp hòn đảo, đặc biệt là vùng phía Đông.

Cây cối đổ ngã ở TP Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) do bão Kong-rey hôm 31-10 - Ảnh: CNA

Cây cối đổ ngã ở TP Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) do bão Kong-rey hôm 31-10 – Ảnh: CNA

Tại nhiều khu vực của huyện Hoa Liên, lũ bùn tràn vào nhà cửa, đường sá bị tắc nghẽn do lở đất, thậm chí một cây cầu đã bị cuốn trôi ở thị trấn Phú Lý. Đài CNN đưa tin có ít nhất 1 người thiệt mạng và hơn 70 người khác bị thương do cơn bão. Hơn 500 chuyến bay bị đình chỉ, trong khi các dịch vụ đường sắt và tàu điện ngầm hoạt động hạn chế.

Theo Cục Quản lý thiên văn, địa vật lý và khí quyển Philippines (PAGASA), Kong-rey đã suy yếu khi tương tác với địa hình đồi núi của Đài Loan và không còn là siêu bão ngay trong chiều 31-10. 

Cơn bão chuyển hướng sau khi đổ bộ Đài Loan và dự kiến tiếp tục tiến về phía Đông Bắc trong ngày 1-11, băng qua biển Hoa Đông và có thể đổ bộ Trung Quốc đại lục.

Bão Kong-rey đổ bộ Đài Loan (Trung Quốc), gây mưa to gió lớn

Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cũng dự báo Kong-rey có khả năng đổ bộ bờ biển tỉnh Phúc Kiến hoặc Chiết Giang, do đó đã ban hành cảnh báo màu cam từ sáng 31-10 đối với các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tô và Thượng Hải. Theo Tân Hoa Xã, dự báo mưa lớn sẽ kéo dài từ chiều 31-10 đến chiều 1-11. 

Trong ngày 31-10, chính quyền TP Thượng Hải và tỉnh Phúc Kiến cho biết đã tạm dừng hoặc hạn chế nhiều dịch vụ đường sắt, phà, các công trình xây dựng ven biển và các hoạt động khác. Các lực lượng cứu hộ cũng sẵn sàng ứng phó.

Nhiều ô tô hư hỏng trên đường phố sau trận mưa lũ ở ngoại ô Valencia - Tây Ban Nha ngày 31-10 Ảnh: REUTERS

Nhiều ô tô hư hỏng trên đường phố sau trận mưa lũ ở ngoại ô Valencia – Tây Ban Nha ngày 31-10 Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, lực lượng cứu hộ Tây Ban Nha tiếp tục tìm kiếm nạn nhân trong trận lũ lụt khủng khiếp khiến ít nhất 95 người thiệt mạng. Trận mưa lớn đầu tuần đã trở thành thảm họa chết người nghiêm trọng nhất ở quốc gia Tây Âu này kể từ năm 1973. Tính đến ngày 31-10, Tây Ban Nha vẫn chưa rõ số người mất tích.

Đã xuất hiện nhiều hoài nghi về khả năng ứng phó mưa lũ của một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới. Cơ quan thời tiết quốc gia Tây Ban Nha AEMET đã ban hành cảnh báo đỏ cho khu vực Valencia vào sáng 29-10 và tình hình xấu đi sau đó. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, cơ quan khu vực chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động khẩn cấp mới được thành lập.

Theo Reuters, mưa lũ tại Tây Ban Nha do hiện tượng thời tiết DANA gây ra. Đây là kiểu thời tiết xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu, khi không khí lạnh và ấm gặp nhau tạo ra những đám mây mưa lớn. 

Phát ngôn viên Aemet, ông Ruben del Campo, cho biết DANA trong tuần này là 1 trong 3 cơn bão dữ dội nhất trong thế kỷ qua ở Valencia. Ông giải thích: “Dự báo phù hợp với những gì đã xảy ra. Ở khu vực giữa Utiel và Chiva thuộc tỉnh Valencia, lượng mưa vượt quá 300 lít trên 1 m2. Các hệ thống bão hình thành và tái sinh liên tục”.

Theo bà Hayley Fowler, giáo sư tại Trường ĐH Newcastle (Anh), thảm họa này là lời cảnh tỉnh nghiêm trọng về biến đổi khí hậu. Trong khi đó, bà Linda Speight, giảng viên tại Khoa Địa lý và Môi trường – Trường ĐH Oxford, kêu gọi các thành phố tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt, bao gồm việc nâng cấp hệ thống thoát nước.

Kinh hoàng lũ quét ở Tây Ban Nha