Căng thẳng ở vùng ly khai Abkhazia của Georgia

Đám đông đã tràn vào trụ sở cơ quan lập pháp Abkhazia để phản đối thỏa thuận đầu tư do chính quyền vùng lãnh thổ này ký với Nga, theo Reuters.

Trước sự việc này, người đứng đầu Abkhazia Aslan Bzhania hôm 16-11 khẳng định sẽ từ chức và tiến hành bầu cử sớm nếu người biểu tình rời khỏi tòa nhà lập pháp.

“Khi họ rời khỏi tòa nhà, tôi sẽ viết đơn từ chức và chúng ta sẽ xem mức độ ủng hộ họ nhận được trong cuộc bầu cử mới” – ông Bzhania tuyên bố. Ông bày tỏ ý định vẫn sẽ tham gia tranh cử.

Tuy nhiên, người biểu tình không đồng ý, khẳng định họ không phản đối quan hệ gần gũi giữa vùng ly khai với Nga, mà chỉ muốn chỉ trích ông Bzhania đang “lợi dụng mối quan hệ này để tư lợi và củng cố quyền lực”.

https://cdnn21.img.ria.ru/images/07e8/0b/0f/1983971806_0:0:1568:1045_1440x900_80_1_1_a4d75f4bc702e7fcfb19531a6fec041b.jpg?source-sid=rian_photo

Người biểu tình tại trụ sở tòa nhà lập pháp của vùng ly khai Abkhazia thuộc Georgia. Ảnh: RIA Novosti.

Abkhazia cùng với Nam Ossetia là hai khu vực đòi ly khai khỏi Georgia và được Nga công nhận vào năm 2008. Tuy nhiên, phần lớn thế giới vẫn xem đó là một phần của Georgia. Nga đến nay vẫn duy trì căn cứ quân sự tại cả hai vùng và có biện pháp hỗ trợ nền kinh tế địa phương.

Trước sự kiện biểu tình, Nga bày tỏ lo ngại về tình hình tại Abkhazia và khuyến cáo công dân tránh xa. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố đang theo dõi “tình hình khủng hoảng”.

Trong khi đó, tại thủ đô Tbilisi của Georgia, hàng trăm người biểu tình cũng xuống đường để phản đối việc xác nhận kết quả bầu cử quốc hội gần đây (diễn ra hôm 26-10), trong đó đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia thân Nga giành 54% số phiếu bầu, các đảng đối lập chỉ đạt 3%-11%, theo RT. Người biểu tình cáo buộc có gian lận bầu cử và không công nhận kết quả.

Căng thẳng bùng nổ khi một số người biểu tình xô xát với cảnh sát gần trụ sở Ủy ban Bầu cử trung ương Georgia hôm 16-11. Ba người đã bị bắt giữ, hiện chưa có thương vong.

Moscow bác bỏ cáo buộc can thiệp vào bầu cử Georgia, đồng thời chỉ trích phương Tây mới là bên cố gắng “tác động đến tiến trình dân chủ” tại nước này.