Hôm 11-11, COP29 đã khai mạc tại thủ đô Baku – Azerbaijan với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia, quan chức cấp cao, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội từ gần 200 quốc gia. Hội nghị sẽ kéo dài đến ngày 22-11 nhằm tìm kiếm các giải pháp thực tế cho vấn đề cấp thiết của thời đại là biến đổi khí hậu.
Theo trang thông tin UN News của Liên Hiệp Quốc (LHQ), COP29 diễn ra khi nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục và người dân trên toàn thế giới đang chịu ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Trọng tâm chính của COP29 sẽ là tài chính, vì các quốc gia cần hàng ngàn tỉ USD để giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính và bảo vệ cuộc sống cũng như sinh kế của người dân khỏi những tác động ngày càng trầm trọng của biến đổi khí hậu.
LHQ cho rằng đây là thời điểm quan trọng để các quốc gia trình bày các kế hoạch hành động khí hậu cấp quốc gia được cập nhật theo Thỏa thuận Paris, dự kiến phải hoàn thành vào đầu năm 2025.
Trả lời phỏng vấn trên tờ The Guardian trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Bộ Môi trường Azerbaijan kiêm Chủ tịch COP29 Mukhtar Babayev cho rằng các nước đang phát triển cần tài chính tư nhân cho chuyển đổi xanh.
“Trách nhiệm không thể hoàn toàn đổ lên túi tiền của chính phủ. Việc giải phóng nguồn tài chính tư nhân cho tiến trình chuyển đổi của các nước đang phát triển từ lâu đã là tham vọng của các cuộc đàm phán về khí hậu. Nếu không có khu vực tư nhân, sẽ không có giải pháp khí hậu. Thế giới cần nhiều tiền hơn và cần nhanh hơn. Lịch sử cho thấy chúng ta có thể huy động các nguồn lực cần thiết; bây giờ là vấn đề ý chí chính trị” – ông Babayev nói.
Tại COP29, các quốc gia sẽ cố gắng xây dựng một khuôn khổ toàn cầu mới để cung cấp nguồn tài chính mà các nước đang phát triển cần để cắt giảm khí thải nhà kính và thích ứng với tác động của thời tiết khắc nghiệt ngày càng tồi tệ hơn. Các quốc gia đang phát triển muốn quỹ tài chính khí hậu tăng từ khoảng 100 tỉ USD mỗi năm như hiện nay lên tới 1.000 tỉ USD mỗi năm.
Theo Reuters, trước khi các cuộc đàm phán thượng đỉnh bắt đầu, các nước cần thống nhất chương trình nghị sự, sau khi Trung Quốc đưa ra đề xuất vào phút chót về việc đưa các tranh chấp thương mại vào cuộc.
Đề xuất của Trung Quốc – thay mặt cho nhóm các nước “BASIC” bao gồm Brazil, Ấn Độ và Nam Phi – yêu cầu COP29 bàn bạc vấn đề “các biện pháp hạn chế thương mại” như thuế biên giới carbon của Liên minh châu Âu (EU) vốn có hiệu lực vào năm 2026.
Trong bài phát biểu bàn giao cho chủ tịch COP29, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí quốc gia Adnoc (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất – UAE), nhắc lại lời cam kết từ bỏ dần nhiên liệu hóa thạch mà Thỏa thuận đồng thuận UAE tại COP28 đạt được.
Dù được đánh giá là điểm đột phá lớn so với 27 hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trước đó – vốn không đề cập đến nhiên liệu hóa thạch, song đây vẫn là “sự thất vọng nghiêm trọng” đối với các quốc gia muốn loại bỏ ngay nhiên liệu hóa thạch – theo The Guardian.