Đảng Dân chủ Mỹ lo xa

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ gặp tại Nhà Trắng ngày 13-11 để bàn về việc chuyển giao quyền lực. Thư ký báo chí Nhà Trắng hôm 9-11 cho biết cuộc gặp này dự kiến diễn ra lúc 11 giờ (giờ địa phương).

Theo đài CNN, ông Jeff Zients, Chánh Văn phòng Nhà Trắng và bà Susie Wiles, nhà quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã liên lạc để trao đổi về vấn đề chuyển giao quyền lực và thu xếp cuộc gặp nói trên. 

Trước đó, ông Biden đã gọi điện chúc mừng ông Trump thắng cử và mời ông đến Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ cũng cam kết bảo đảm tiến trình chuyển giao diễn ra suôn sẻ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đoàn kết đất nước.

Trong lúc này, Đảng Cộng hòa đang tiến gần việc nắm quyền kiểm soát Hạ viện, một kết quả quan trọng để ông Trump thúc đẩy chương trình nghị sự của mình sau khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1-2025. 

Theo Reuters, kết quả kiểm phiếu mới nhất cho thấy Đảng Cộng hòa đã nắm 213/435 ghế tại Hạ viện, qua đó chỉ cần thêm 5 ghế nữa là chiếm thế đa số tại cơ quan này. Đảng Dân chủ hiện nắm 205 ghế.

Người di cư xếp hàng tại TP Tijuana - Mexico để kiểm tra giấy tờ trước khi nhập cảnh Mỹ hôm 4-11. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cam kết trục xuất hàng loạt người nhập cư khi còn tranh cử Ảnh: Reuters

Người di cư xếp hàng tại TP Tijuana – Mexico để kiểm tra giấy tờ trước khi nhập cảnh Mỹ hôm 4-11. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã cam kết trục xuất hàng loạt người nhập cư khi còn tranh cử Ảnh: Reuters

Trước đó, Đảng Cộng hòa đã nắm đa số ghế tại Thượng viện. Kịch bản kiểm soát Hạ viện sẽ trao cho Đảng Cộng hòa quyền lực rộng lớn để có thể thúc đẩy các chính sách như cắt giảm thuế và chi tiêu, gỡ bỏ quy định về năng lượng, kiểm soát an ninh biên giới.

Đối mặt tác động tiềm tàng từ các chính sách bảo thủ sau khi ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2, ngày càng có nhiều thống đốc, tổng chưởng lý của Đảng Dân chủ chuẩn bị các biện pháp ứng phó. 

Ông Gavin Newsom, Thống đốc bang California, tuần rồi kêu gọi các nhà lập pháp bang nhóm họp vào cuối năm trong nỗ lực bảo vệ chính sách địa phương về các vấn đề như quyền phá thai và biến đổi khí hậu trước chính quyền sắp tới và Đảng Cộng hòa.

Tại các bang khác, như Illinois, Massachusetts và New York, các quan chức tuyên bố sẵn sàng phát động cuộc chiến pháp lý và chính sách về các vấn đề như quyền phá thai, quy định về môi trường, kiểm soát súng, thực thi nhập cư…

 Riêng ông Jay Robert Pritzker, Thống đốc bang Illinois, nhấn mạnh bang này sẽ có hành động pháp lý nếu cần trong trường hợp các địa phương bị ngừng trợ cấp liên bang do từ chối hợp tác với kế hoạch trục xuất người nhập cư không có giấy tờ của ông Trump.

 Cũng với quan điểm cứng rắn tương tự, bà Maura Healey, Thống đốc bang Massachusetts, khẳng định cảnh sát địa phương sẽ không hỗ trợ các nỗ lực trục xuất người nhập cư của ông Trump.

Dù vậy, không phải thống đốc nào cũng tỏ thái độ gay gắt như trên. Thống đốc Wes Moore của bang Maryland lưu ý rằng sẵn sàng tìm kiếm tiếng nói chung với Nhà Trắng sắp tới. Trong khi đó, Thống đốc Gretchen Whitmer của bang Michigan bày tỏ hy vọng ông Trump sẽ lãnh đạo đất nước bằng cách đoàn kết mọi người, bao gồm cả những người không bỏ phiếu hoặc ủng hộ ông.