Hãi hùng “rết quái vật” 300 triệu năm to như ô tô

Sử dụng hình ảnh chụp CT, các nhà khoa học đã tái hiện lại thành công phần đầu của hai con con quái vật chân đốt cổ đại Arthropleura trong khối đá tại mỏ hóa thạch Montceau-les-Mines Lagerstätte (Pháp).

Nhờ đó, sau hơn một thế kỷ kể từ khi được biết đến, chân dung của sinh vật bí ẩn này đã được giới cổ sinh vật học hoàn thiện.

Hãi hùng "rết quái vật" 300 triệu năm to như ô tô- Ảnh 1.

Bản tái hiện 3D của hóa thạch đầu con rết quái vật được tìm thấy ở Pháp – Ảnh: Đại học Claude Bernard Lyon 1

Hóa thạch hai con Arthropleura ở Pháp có niên đại khoảng trên dưới 300 triệu năm tuổi, bởi nhóm sinh vật này được cho là tồn tại từ khoảng 346 triệu năm trước (đầu kỷ Than Đá) cho đến 290 triệu năm trước (đầu kỷ Nhị Điệp).

Trong bầu khí quyển giàu oxy vào thời điểm đó, Arthropleura có thể phát triển đến chiều dài 2,6 m, vì vậy các nhà khoa học mô tả chúng như những chiếc ô tô quái vật.

Hãi hùng "rết quái vật" 300 triệu năm to như ô tô- Ảnh 2.

Cơ thể những con rết quái vật có thể dài tới 2,6 m – Ảnh: Đại học Claude Bernard Lyon 1

Nói với tờ Live Science, nhà cổ sinh vật học Mickaël Lheritier từ Đại học Claude Bernard Lyon 1 (Pháp), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết tuy Arthropleura đã được mô tả từ lâu nhưng trong hơn 100 năm qua, bản mô tả vẫn không thể hoàn thiện vì thiếu phần đầu.

“Bây giờ với cái đầu hoàn chỉnh – hàm dưới, mắt và những đặc điểm này – có thể giúp chúng tôi hiểu vị trí của sinh vật này trong quá trình tiến hóa” – TS Lheritier nói.

Trước đây, các đặc điểm trên cơ thể đã khiến các nhà khoa học nghi ngờ rằng nó có họ hàng gần với loài rết hiện đại. Giờ đây, nhờ các đặc điểm giải phẫu mới, họ chính thức xác nhận điều đó.

Tuy nhiên, nó vẫn còn mang các đặc điểm như lai với các nhóm động vật khác mà các nhà khoa học sẽ cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra câu trả lời.

Nổi bật nhất là nhãn cầu có cuống của nó, một đặc điểm chưa bao giờ được nhìn thấy trong dòng họ rết, mà lại giống với các động vật bán thủy sinh hoặc thủy sinh hơn, như giáp xác.

“Đôi mắt có cuống vẫn là một bí ẩn lớn vì chúng ta thực sự không biết cách giải thích điều này” – TS Lheritier thừa nhận.