Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học (COP16) đã kết thúc hôm 2-11 khi các quốc gia không thống nhất việc thành lập quỹ thiên nhiên toàn cầu mới.
Theo kế hoạch ban đầu, Hội nghị COP16 diễn ra tại TP Cali – Colombia từ ngày 21-10 đến 1-11. Tuy nhiên, cuộc đàm phán về quỹ nói trên được kéo dài đến ngày 2-11 trước khi khép lại do không đủ đại biểu vì nhiều phái đoàn lên đường về nước.
Trọng tâm chính của Hội nghị COP16 là thúc đẩy hiệp ước đa dạng sinh học mang tính bước ngoặt được thông qua tại Hội nghị COP15 tại TP Montreal – Canada 2 năm trước. Thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Kunming-Montreal, gần 200 quốc gia đã đồng ý đảo ngược sự suy giảm nghiêm trọng của thiên nhiên vào cuối thập kỷ này và huy động hàng trăm tỉ USD cho mục đích đó.
Hiệp ước cũng đề ra 23 mục tiêu cần đạt được trong hơn 5 năm tới, trong đó có việc đưa 30% diện tích đất và biển vào diện bảo vệ, khôi phục 30% hệ sinh thái bị suy thoái vào năm 2030, giảm ô nhiễm và loại bỏ dần các khoản trợ cấp nông nghiệp cũng như các trợ cấp khác có hại cho thiên nhiên.
Hội nghị COP16 đã đạt được tiến triển thực sự về một số vấn đề, trong đó có chia sẻ lợi ích liên quan thông tin di truyền, sức khỏe và đa dạng sinh học. Ngoài ra, một số mục tiêu khác cũng đạt được, như tiến đến thành lập Quỹ Cali để bảo vệ thiên nhiên. Quỹ này sẽ được tài trợ bởi các công ty bán sản phẩm, chẳng hạn dược phẩm và mỹ phẩm, dựa trên dữ liệu di truyền từ thế giới tự nhiên.
Dù vậy, phần lớn các quốc gia không đệ trình kế hoạch nhằm thực hiện hiệp ước năm 2022 nói trên. Ngoài ra, các đại biểu không thể tìm được tiếng nói chung về một chiến lược được điều chỉnh để huy động và phân phối nhiều tiền hơn cho các quốc gia để bảo vệ thiên nhiên. Đáng chú ý, việc thành lập một quỹ thiên nhiên toàn cầu mới theo yêu cầu của các nước đang phát triển đã bị các nước phát triển phản đối.
Một nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này không thể chấp nhận quỹ mới nêu trên vì điều đó sẽ “làm phân mảnh thêm bức tranh tài chính về đa dạng sinh học”. Quan chức này cũng cho rằng thành lập quỹ mới không đồng nghĩa sẽ có nguồn tài trợ mới.
Theo hãng tin Bloomberg, bà Ginette Hemley, Phó Chủ tịch cấp cao về động vật hoang dã tại Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên Mỹ, lo ngại những tranh cãi về tài chính sẽ cản trở nỗ lực ngăn chặn và đảo ngược sự suy giảm thiên nhiên vào năm 2030.