Lệnh ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hezbollah tại Lebanon bắt đầu có hiệu lực hôm 27-11 sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo hai bên đã chấp nhận thỏa thuận được Mỹ và Pháp làm trung gian.
Lệnh ngừng bắn này được kỳ vọng chấm dứt giao tranh qua biên giới Israel – Lebanon, xuất phát từ cuộc xung đột ở Dải Gaza năm ngoái và khiến hàng ngàn người thiệt mạng cho đến giờ.
Theo thỏa thuận, Israel sẽ rút dần lực lượng của mình trong vòng 60 ngày trong lúc quân đội Lebanon tiếp quản khu vực gần biên giới với Israel nhằm bảo đảm Hezbollah không tái thiết cơ sở hạ tầng tại đó.
Bộ trưởng Ngoại giao Lebanon Abdallah Bou Habib cho biết ít nhất 5.000 binh sĩ sẽ được triển khai ở miền Nam khi quân đội Israel rời đi.
Ngoài ra, Hezbollah cũng phải rút khỏi biên giới phía Nam với Israel và di chuyển xa hơn về phía Bắc đến sông Litani. Đây là điều Hezbollah chưa thực hiện dù đã có một nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi điều này từ năm 2006.
Theo thống kê, hơn 1,2 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa do các cuộc không kích của Israel ở Lebanon, phần lớn sống tại miền Nam. Theo Reuters, Hezbollah xem việc đưa những người di tản trở về nhà là một ưu tiên. Ngoài ra, hàng chục ngàn người rời bỏ nhà cửa ở miền Bắc Israel dự kiến cũng trở về nhà theo sau thỏa thuận.
Giới chức Lebanon thừa nhận thách thức đầu tiên là việc triển khai binh sĩ đến miền Nam cũng như thu xếp chuyện trở về của người dân. Một vấn đề mấu chốt khác là cách thức giám sát lệnh ngừng bắn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lebanon Elias Bou Saab cho biết một cơ chế 3 bên hiện có giữa lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại miền Nam Lebanon (UNIFIL), quân đội Lebanon và quân đội Israel sẽ được bổ sung Mỹ và Pháp, trong đó Mỹ sẽ giữ vai trò chủ trì nhóm này. I
srael sẽ có trách nhiệm báo cáo các vi phạm tiềm tàng cho cơ chế giám sát này. Pháp và Mỹ sẽ cùng xác định liệu có vi phạm xảy ra hay không.
Cùng với thông báo nói trên, Tổng thống Biden cho biết chính quyền của ông sẽ tiếp tục thúc đẩy lệnh ngừng bắn và thỏa thuận trao trả con tin ở Dải Gaza. Giới chức Mỹ nhận định thỏa thuận ngừng bắn ở Lebanon có thể trở thành bước đệm hướng tới giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas.
Một lý do quan trọng, theo họ, là Hamas sẽ nhận ra rằng Hezbollah đã quyết định “từ bỏ” họ và tách rời hai cuộc xung đột.
Phản ứng trước diễn biến trên, quan chức Abu Zuhri của Hamas hôm 27-11 bày tỏ hy vọng thỏa thuận ở Lebanon sẽ mở đường cho việc đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Dải Gaza.
Nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này đang gặp bế tắc, nhất là sau khi Qatar gần đây đình chỉ mọi nỗ lực hòa giải. Giờ đây, theo trang Euronews, sự quan tâm chuyển sang các địa điểm và chính phủ khác có thể tiếp nhận nhiệm vụ khó khăn này.
Ai Cập đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas kể từ khi xung đột diễn ra và gần đây đã đề xuất giải pháp tạm thời cho thỏa thuận liên quan Dải Gaza. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định Cairo cũng đối mặt thách thức tương tự Doha trong việc tìm kiếm kết quả đột phá.