Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định bắt đầu cắt giảm lãi suất hồi tháng 9 và triển vọng về những đợt hạ lãi suất tiếp theo có thể mang lại lợi ích cho các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á.
Đó là nhận định được một số chuyên gia với đài CNBC hôm 31-10.
Ông Saurabh Agarwal, chuyên gia tại Công ty Đầu tư Warburg Pincus (Mỹ), bày tỏ lạc quan và tin tưởng rằng GDP các nước Đông Nam Á sẽ sớm trở lại đà tăng trưởng 6%-7% trong tương lai gần.
Trong khi đó, ông David Sumual, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Bank Central Asia (Indonesia), nhấn mạnh Indonesia là một trong những quốc gia có thể hưởng lợi từ các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của FED, chủ yếu thông qua các kênh hàng hóa. Ngoài ra, nước này còn có tiềm năng hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư, nổi bật là đối với thị trường chứng khoán.
Theo đài CNBC, lãi suất cao hơn ở Mỹ thường là yếu tố tiêu cực đối với các thị trường mới nổi vì các nhà đầu tư Mỹ có xu hướng chuyển tiền về nước để tìm kiếm lợi nhuận thông qua các kênh đầu tư.
Việc Mỹ hạ lãi suất có thể thúc đẩy dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi. Cả đồng rupiah của Indonesia và đồng baht của Thái Lan đều tăng giá so với đồng USD sau quyết định của FED hồi tháng 9, một phần nhờ vào các nhà đầu tư chuyển một lượng tiền lớn từ trái phiếu chính phủ Mỹ sang các thị trường đang phát triển của Đông Nam Á.
Dù vậy, nhìn chung kinh tế châu Á đang đối mặt thách thức khi hoạt động sản xuất tại một số nền kinh tế lớn tiếp tục trì trệ trong tháng 10. Đáng chú ý, các cuộc khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) hôm 1-11 cho thấy hoạt động của các nhà máy đã thu hẹp ở Nhật Bản và Hàn Quốc do nhu cầu trong nước suy yếu và tăng trưởng chậm lại ở các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Ngược lại, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã mở rộng trở lại trong tháng rồi nhờ một loạt biện pháp kích thích được Bắc Kinh triển khai để hỗ trợ nền kinh tế. Theo khảo sát Caixin/S&P Global, PMI tại Trung Quốc đã tăng lên 50,3 vào tháng 10 từ mức 49,3 của tháng trước đó – cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã mở rộng lần đầu tiên kể từ tháng 4 năm nay.
Tuy nhiên, ông Krishna Srinivasan, giám đốc Bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hôm 1-11 cảnh báo rủi ro giảm phát đang gia tăng ở Trung Quốc và cần có thêm biện pháp giải quyết các vấn đề của lĩnh vực bất động sản và thúc đẩy tiêu dùng. Theo Reuters, ông Srinivasan gợi ý nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cần phải chuyển từ mô hình tăng trưởng “dựa vào đầu tư và xuất khẩu” sang mô hình “dựa vào tiêu dùng”.
Trong báo cáo mới công bố, IMF cho rằng sự suy giảm kinh tế kéo dài và lớn hơn dự kiến ở Trung Quốc sẽ gây hại cho cả khu vực và nền kinh tế toàn cầu. IMF dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2024 và 4,4% vào năm 2025 nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu tư nhân vào năm tới.