Ông Donald Trump, ứng viên Đảng Cộng hòa, hôm 6-11 tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sau khi truyền thông Mỹ dự đoán ông đã đánh bại đối thủ Kamala Harris của Đảng Dân chủ.
Phát biểu trước đám đông người ủng hộ ở TP West Palm Beach, bang Florida, ông Trump gọi đây là chiến thắng lịch sử và cam kết sẽ “sửa chữa mọi thứ về đất nước chúng ta”. Kết quả trên đánh dấu sự trở lại chính trường ngoạn mục của ông Trump sau 4 năm.
Một khi nhậm chức, ông là người đầu tiên đảm nhận 2 nhiệm kỳ tổng thống không liên tiếp trong hơn 100 năm qua, sau nhiệm kỳ 2017-2021 đầu tiên.
Hãng tin Reuters nhận định ông Trump, 78 tuổi, đã có màn thể hiện tốt hơn so với cuộc bầu cử năm 2020. Theo kết quả thăm dò của Công ty Edison Research (Mỹ), ứng viên này nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ cử tri gốc Tây Ban Nha, vốn là nhóm truyền thống ủng hộ Đảng Dân chủ.
Cụ thể, ông Trump nhận được phiếu bầu của 45% cử tri gốc Tây Ban Nha trên toàn quốc, tăng 13 điểm % so với năm 2020. Ngoài ra, sự ủng hộ cũng đến từ các hộ gia đình có thu nhập thấp, những người cảm nhận rõ ảnh hưởng của lạm phát kể từ cuộc bầu cử năm 2020.
Theo kết quả các cuộc thăm dò ý kiến ngay sau khi cử tri rời phòng bỏ phiếu, khoảng 31% người cho biết kinh tế là vấn đề quan trọng nhất với họ, và họ đã bầu cho ông Trump với tỉ lệ 79%, so với 20% cho bà Harris.
Khoảng 45% cử tri cả nước cho biết tình hình tài chính của gia đình họ tồi tệ hơn so với 4 năm trước, và nhóm này ủng hộ ông Trump với tỉ lệ 80%, so với 17% cho bà Harris. Ngoài ra, gần 3/4 cử tri nhận định nền dân chủ Mỹ đang bị đe dọa, qua đó cho thấy mức độ phân cực ngày càng sâu sắc trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Giới phân tích nhận định phân cực chính trị, cùng với kinh tế, là 2 trong số những thách thức hàng đầu mà ông Trump phải chú tâm giải quyết khi bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực.
Với một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc, gần như chia đều thành hai nửa, một phần quan trọng trong trách nhiệm của tân tổng thống Mỹ là hàn gắn vết thương và xây dựng lại lòng tin giữa những người ủng hộ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ.
Nhập cư cũng là một vấn đề quan trọng đang chờ đợi chủ nhân mới của Nhà Trắng xử lý. Đây luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với cử tri, đặc biệt là người ủng hộ Đảng Cộng hòa.
Ngoài ra, tổng thống tiếp theo còn đối mặt những quyết định quan trọng liên quan đến vấn đề phá thai, ưu tiên hàng đầu của phần lớn nữ cử tri. Khi còn tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ không ký luật cấm phá thai trên toàn quốc nhưng vẫn ca ngợi phán quyết của Tòa án Tối cao về việc xóa bỏ quyền phá thai liên bang.
Ông Trump phát biểu tuyên bố chiến thắng rạng sáng 6-11 (giờ địa phương)
Trên mặt trận đối ngoại, một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với tổng thống mới là giải quyết cuộc xung đột ở Trung Đông, được xem là ảnh hưởng đáng kể đến chính trường Mỹ. Dù tin rằng cuộc xung đột nên kết thúc “càng sớm càng tốt”, ông Trump vẫn cho rằng nó nên kết thúc với một chiến thắng cho Israel, cũng như gọi mình là “người bạn tốt nhất của Israel”.
Bên cạnh đó, tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ cần phải quyết định liệu có tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga hay không. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là mối bận tâm lớn khác, nhất là khi chính quyền thời Tổng thống Trump hồi năm 2018 xem Bắc Kinh là đối thủ chiến lược.
Đảng Cộng hòa nắm Thượng viện
Đảng Cộng hòa đã nắm được ít nhất 51/100 ghế Thượng viện trong cuộc bầu cử hôm 5-11, qua đó giành quyền kiểm soát cơ quan này từ tay Đảng Dân chủ. Kết quả này có thể giúp ông Trump bổ nhiệm các thẩm phán bảo thủ và nhân sự chính phủ. Dù vậy, Đảng Cộng hòa khó có thể nắm đủ 60 ghế cần thiết để thúc đẩy hầu hết dự luật tại Thượng viện.
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, Đảng Cộng hòa cũng chiếm lợi thế trong cuộc chiến duy trì thế đa số tại Hạ viện gồm 435 ghế. Tại Hạ viện khóa trước, Đảng Dân chủ nắm 212 ghế so với 220 của Đảng Cộng hòa và cơ hội để Đảng Dân chủ có thêm ghế ngày càng khó.
Với việc mỗi đảng chắc chắn nắm ít nhất 200 ghế, bên chiến thắng nhiều khả năng chỉ có được đa số mong manh tại Hạ viện, khiến những gì xảy ra trong 2 năm qua có thể tái diễn. Hạ viện khóa trước chứng kiến xung đột trong nội bộ Đảng Cộng hòa khiến nhiều cuộc bỏ phiếu thất bại và gây ra sự bất ổn trong ban lãnh đạo. Ngoài ra, diễn biến này khiến Đảng Cộng hòa gặp khó trong nỗ lực cắt giảm chi tiêu và thúc đẩy chính sách siết nhập cư.
Xuân Mai