Trái Đất và toàn bộ hệ Mặt Trời được gói gọn trong một cấu trúc vũ trụ vô hình nhưng khác thường là LHB, một khoang rộng tới 1.000 năm ánh sáng, có mật độ thấp, nóng bất thường ở rìa thiên hà Milky Way (Ngân Hà).
Một nhóm nghiên cứu đã nỗ lực lập bản đồ chiếc bong bóng LHB khổng lồ này và phát hiện ra một đường hầm liên sao kỳ lạ.
Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Michael Yeung từ Viện Vật lý ngoài Trái Đất Max Planck (Đức) đã sử dụng kính viễn vọng tia X eROSITA để thăm dò LHB.
Các nhà nghiên cứu đã chia các quan sát eROSITA về bầu trời tia X thành khoảng 2.000 phần và tỉ mỉ nghiên cứu ánh sáng tia X trong mỗi phần để tạo ra bản đồ ba chiều của LHB.
Điều này giúp tiết lộ nhiều điều về chiếc bong bóng này, từ cách nó giãn nở không đối xứng đến các bằng chứng về sự phân bố nhiệt độ không đồng đều, giúp xác nhận rằng cấu trúc này được kiến tạo nên bởi hàng loạt vụ nổ siêu tân tinh.
Nó cũng cho thấy “bong bóng” này là một cấu trúc gồ ghề chứ không hề tròn như bong bóng, trông giống một sinh vật cổ đại có nhiều gai.
Ngoài ra, bản đồ 3D cũng tiết lộ điều bất ngờ: Chiếc bong bóng này không khép kín, mà có một cấu trúc dạng đường hầm nối thẳng tới chòm sao Bán Nhân Mã, nổi bật giữa môi trường liên sao lạnh hơn quanh nó.
Chúng ta vẫn chưa biết cụ thể đường hầm này kết nối với cái gì trong khu vực chòm sao này.
Có một số vật thể lớn theo hướng đó, bao gồm tinh vân Gum, một bong bóng lân cận khác và một số đám mây phân tử.
Nó cũng có thể là một manh mối cho thấy thiên hà bao gồm một mạng lưới kết nối toàn bộ các bong bóng nóng và đường hầm giữa các vì sao, một ý tưởng được đề xuất vào năm 1974 và vẫn chưa có nhiều bằng chứng.
Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để giải thích về đường hầm vũ trụ này. Họ kỳ vọng rằng nó có thể giúp giải đáp nhiều điều về cách thiên hà đã hình thành.