Quan sát và bình luận: Đỉnh điểm bất hòa mới

Nhưng chúng gây bất ngờ khi mức độ quan hệ liên Triều như thể bị đẩy lùi nhiều thập kỷ.

Quốc hội Triều Tiên vừa phê chuẩn sửa đổi hiến pháp để xác định rõ ràng và cụ thể Hàn Quốc là “quốc gia nước ngoài thù địch”. 

Hồi đầu năm nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nêu ra vấn đề này và sau đó Bình Nhưỡng tuyên bố chính thức từ bỏ mục tiêu vốn theo đuổi lâu nay là tái thống nhất hai miền trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên hôm 15-10 cũng cho nổ tung đoạn đường dài 60 mét của hai tuyến đường bộ và đường sắt được gọi là liên Triều, tức là thông thương hai miền trên bán đảo. Lý do đưa ra là quân đội Hàn Quốc sử dụng máy bay không người lái xâm nhập không phận Triều Tiên để rải truyền đơn. 

Hình ảnh được hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên đăng tải hôm 19-10, theo đó đây là máy bay không người lái Hàn Quốc dùng để rải tờ rơi tại Bình Nhưỡng. Ảnh: REUTERS

Hình ảnh được hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên đăng tải hôm 19-10, theo đó đây là máy bay không người lái Hàn Quốc dùng để rải tờ rơi tại Bình Nhưỡng. Ảnh: REUTERS

Những tuyến đường liên Triều nói trên được coi là biểu tượng và hy vọng cho triển vọng tái thống nhất hai miền cho dù chỉ sử dụng được khoảng 8 tháng ở thời điểm… cách đây cũng 16-17 năm.

Những diễn biến vừa qua và mức độ quan hệ song phương hiện tại tạo thành đỉnh điểm mới về bất hòa và đối địch giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. 

Chuyển sang đối địch quyết liệt công khai như thế cho thấy cả hai bên đều đã có những điều chỉnh rất cơ bản về quan điểm, chính sách đối với nhau, không những cho hiện tại mà còn cả về lâu dài và hai bên không còn chút tin cậy lẫn nhau nữa. Có ba nguyên do chính khiến cả hai bên chủ định và hành xử như vậy.

Thứ nhất là sự thay đổi tổng thống ở Mỹ và Hàn Quốc. Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đều cứng rắn đối với Triều Tiên hơn người tiền nhiệm của họ là Donald Trump ở Mỹ và Moon Jae-in ở Hàn Quốc. 

Ông Biden không tiếp nối chính sách của ông Trump và ông Yoon Suk-yeol không kế thừa chính sách của ông Moon Jae-in về Triều Tiên. Tình thế thay đổi nên phía Triều Tiên không thể không thay đổi chính sách, biện pháp ứng phó.

Thứ hai, ông Yoon Suk-yeol không từ bỏ mục tiêu lâu nay của Hàn Quốc là tái thống nhất bán đảo nhưng theo điều kiện và tiêu chí của Hàn Quốc mà phía Triều Tiên không chấp nhận. 

Nhà lãnh đạo này còn thúc đẩy rất mạnh mẽ mối quan hệ liên minh quân sự với Mỹ và Nhật Bản. Ông nhiều lần cảnh báo và răn đe Triều Tiên là Hàn Quốc và đồng minh luôn sẵn sàng đáp trả mọi thách thức, đe dọa hoặc khiêu khích an ninh từ phía Bình Nhưỡng. 

Trong bối cảnh ấy, không có gì lạ khi Triều Tiên sử dụng những mô thức ứng phó và phản ứng đã trở nên kinh điển đối với họ là thúc đẩy chương trình hạt nhân và tên lửa, phóng tên lửa và vệ tinh, tuyên truyền và khẩu chiến, phô trương sức mạnh quân sự, đi vào leo thang đối địch với Mỹ và Hàn Quốc.

Lý do thứ ba là cuộc xung đột Nga – Ukraine đã buộc Mỹ phải bận tâm và tạo cơ hội cho Moscow và Bình Nhưỡng thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực. Mỹ và Hàn Quốc không thể không quan ngại sâu sắc và tìm mọi cách để ngăn cản Nga và Triều Tiên liên minh quân sự, quốc phòng và an ninh.

Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ không để xảy ra chiến tranh với nhau. Nhưng căng thẳng và đối địch sẽ còn tiếp tục gia tăng tới nhiều đỉnh điểm mới nữa.