• Trang chủ
  • Quốc tế
  • Thước đo lạm phát yêu thích của FED tăng vọt lên mức đỉnh 4 tháng, tiết lộ khả năng tăng lãi suất vào tuần sau

Thước đo lạm phát yêu thích của FED tăng vọt lên mức đỉnh 4 tháng, tiết lộ khả năng tăng lãi suất vào tuần sau

Trong tháng 9, thước đo ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để đo lạm phát lõi đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng gần đây. Chi tiêu tiêu dùng cũng tăng, mở đường cho khả năng FED nâng lãi suất trong những tháng tới.

Theo báo cáo của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố hôm 27/10, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi (loại trừ các yếu tố dễ biến động như năng lượng và thực phẩm) đã tăng 0,3% trong tháng 9. Chi tiêu tiêu dùng điều chỉnh theo lạm phát đã tăng 0,4% trong tháng trước.

PCE lõi và chi tiêu tiêu dùng cá nhân điều chỉnh theo lạm phát từ tháng 12/2021 đến tháng 8/2023

Nhu cầu chi tiêu của hộ gia đình được duy trì, kết hợp với lạm phát tăng cho thấy đà tăng của quý 4. Trong khi các nhà kinh tế dự đoán chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại trong những tháng tới, các quan chức FED lại cảnh báo dữ liệu mạnh có thể khiến cơ quan này tiếp tục thắt chặt chính sách.

Chủ tịch Omair Sharif của Inflation Insights LLC lưu ý rằng dữ liệu cho thấy FED cần đề phòng lạm phát lõi có thể tăng cao trong thời gian còn lại của năm.

Nhiều người kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản tại cuộc họp tuần tới. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên vượt mốc 5% sau 16 năm góp phần khiến FED trở nên thận trọng hơn.

Sau báo cáo, chứng khoán vẫn tăng, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng và đồng USD suy yếu.

Lĩnh vực được các quan chức quan tâm hơn cả là dịch vụ, với mức tăng 0,5%, tức cao nhất kể từ tháng 1 đến nay. Ngoại trừ nhà ở và năng lượng, lạm phát dịch vụ tăng từ mức 0,1% của tháng trước lên 0,4%. Chủ yếu chi tiêu được thúc đẩy bởi cả hàng hóa và dịch vụ, bao gồm nhu cầu về ô tô, thuốc men và du lịch quốc tế.

Động lực lớn nhất để thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình là sức mạnh của thị trường lao động. Nhưng các yếu tố khác như tài sản hộ gia đình tăng kỷ lục trong năm nay và khoản tiết kiệm sau thời kỳ đại dịch cũng đóng một phần vai trò.

Trong khi tiền lương tăng 0,4%, thu nhập thực tế giảm tháng thứ 3 liên tiếp. Kết quả là người tiêu dùng tiết kiệm ít hơn để dành tiền chi tiêu. Tỷ lệ tiết kiệm giảm xuống còn 3,4%, mức thấp nhất trong năm nay. Điều đó có thể làm dấy lên lo ngại về khả năng người Mỹ duy trì tốc độ chi tiêu như vậy cho đến cuối năm.

Ảnh: Bloomberg

Đầu tuần, dữ liệu về GDP cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,9% trong quý 3, với động lực xuất phát từ chi tiêu tiêu dùng đạt mức mạnh nhất kể từ năm 2021. Báo cáo hôm thứ Sáu cung cấp thêm cái nhìn sâu hơn về xu hướng cơ bản trong chi tiêu của người tiêu dùng.

Trong quý này, các nhà dự báo ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ đạt 0,7%, một phần do chi phí lãi vay tăng. Các yếu tố khác như việc nối lại quá trình trả các khoản vay sinh viên và xung đột ở Trung Đông cũng có thể kìm hãm sự tăng trưởng.

Tham khảo Bloomberg