Từ thừa nhận hiếm hoi của Israel, Vòm Sắt bị nghi ngờ

Đài Al Jazeera đưa tin rốc-két do Lữ đoàn al-Qassam phóng đã bị phía Israel đánh chặn. Tuy nhiên, việc nhóm này vẫn có khả năng khai hoả sau một năm đặt ra dấu hỏi lớn đối với chiến lược quân sự của Israel.

Ngoài ra, cuộc tấn công mới nhất của Hamas vào Israel cho thấy giao tranh không thể chấm dứt chỉ bằng biện pháp quân sự mà cần một giải pháp chính trị.

Trước đó cùng ngày 7-10, ít nhất 10 người bị thương sau khi rốc-két từ miền Nam Lebanon rơi xuống TP Haifa ở miền Bắc Israel.

Từ thừa nhận hiếm hoi của Israel, Vòm Sắt bị nghi ngờ- Ảnh 1.

TP Haifa bị tấn công ngày 7-10. Ảnh: Reuters

Đây là lần đầu tiên thành phố cảng này bị tấn công kể từ khi cuộc xung đột ở Gaza bắt đầu cách đây một năm. Haifa nằm trên bờ biển Địa Trung Hải của Israel, cách biên giới với Lebanon khoảng 30 km.

Hezbollah cho biết họ nhắm mục tiêu vào một căn cứ quân sự ở phía Nam Haifa bằng rốc-két “Fadi 1” và tiến hành một cuộc tấn công khác vào Tiberias, cách đó 65 km. 

Quân đội Israel xác nhận: “Năm quả rốc-két được phóng từ Lebanon vào Haifa và bị tên lửa đánh chặn. Các vật thể rơi đã được xác định trong khu vực. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang điều tra tác động của rốc-két, thương vong và thiệt hại đối với miền Bắc Israel”.

Truyền thông Israel đưa tin 5 quả rốc-két khác đã bắn trúng khu vực Tiberias, khiến một số tòa nhà và tài sản bị hư hại. Lực lượng Israel cũng chặn được 2 máy bay không người lái được phóng vào sáng sớm 7-10 sau khi còi báo động vang lên ở các khu vực trung tâm Rishon Lezion và Palmachim.

Đây là lần hiếm hoi Israel thừa nhận hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của họ không ngăn được rốc-két của Hezbollah.

Vòm Sắt là hệ thống phòng không đã trở thành nền tảng an ninh của Israel kể từ khi được triển khai lần đầu tiên vào năm 2011.

Vòm Sắt do công ty quốc phòng Israel, Rafael, phát triển và tỏ ra đặc biệt hiệu quả trong những năm qua. Israel tuyên bố công nghệ quân sự này có tỉ lệ thành công 90% trong việc đánh chặn rốc-két của đối phương.

Mỗi khẩu đội Vòm Sắt gồm 3 thành phần. Đầu tiên là radar phát hiện rốc-két đang bay tới. Thứ hai là tên lửa đánh chặn Tamir. Cuối cùng là một trung tâm chỉ huy và điều khiển chứa phần mềm tạo và gửi thông điệp từ radar tới tên lửa đánh chặn.

Vòm Sắt được thiết kế để đánh chặn rốc-két có tầm bắn từ 4-70 km. Có ít nhất 10 khẩu đội Vòm Sắt được cho là đang hoạt động trên lãnh thổ Israel.

Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Trung Đông của Trường ĐH Singapore, Jean-Loup Samaan, mô tả vấn đề về tính hiệu quả của Vòm Sắt là “rất gây tranh cãi”.

Ông nói: “Vòm Sắt chỉ đánh chặn hoặc phá hủy rốc-két được coi là đe dọa các khu đô thị dân sự. Nếu rốc-két bắn vào một khu vực không có dân cư ở Israel, Vòm Sắt sẽ không được kích hoạt. Vì vậy, thật khó để nói chính xác điều gì đằng sau tỉ lệ hiệu quả 90% mà Israel công bố”.

Vấn đề khác liên quan đến hiệu quả của Vòm Sắt là ông Samaan cho rằng hệ thống này “không ngăn cản được Hamas hoặc các nhóm vũ trang Palestine khác tiến hành các cuộc tấn công bằng rốc-két nhằm vào lãnh thổ Israel”.

Cụ thể, ngày 7-10, ông Samaan cho biết Hamas đã “bắn nhiều rốc-két hơn so với 10 ngày cuối cùng của cuộc xung đột giữa Hamas và Israel năm 2021”. Vì vậy, Vòm Sắt có thể hiệu quả về mặt hoạt động nhưng về mặt chiến lược, nó không thực sự ngăn cản được các nhóm vũ trang ở Trung Đông. 

Việc duy trì hoạt động của Vòm Sắt đòi hỏi chi phí rất cao. Theo ông Samaan, một tên lửa đánh chặn Tamir ước tính khoảng 50.000 USD.

Ý tưởng là Israel có thể tìm ra một công nghệ có thể bảo vệ lãnh thổ của mình nhưng về mặt tài chính, nước này cần sự hỗ trợ của Mỹ để duy trì khả năng đó. 

Một báo cáo từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết Washington đã đóng góp gần 3 tỉ USD cho Vòm Sắt, thiết bị đánh chặn, chi phí đồng sản xuất và bảo trì chung.

Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ yêu cầu Quốc hội cấp thêm 14 tỉ USD viện trợ quân sự cho Israel.