Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ nhóm họp về chính sách tiền tệ trong tuần này giữa lúc các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho một loạt động thái về lãi suất theo cả hai hướng tăng và giảm.
Tâm điểm chú ý là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), diễn ra trong 2 ngày từ 17 đến 18-9. FED được kỳ vọng sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất như nhiều ngân hàng trung ương khác. Câu hỏi còn lại là FED sẽ giảm lãi suất bao nhiêu so với mức hiện tại là 5,25% – 5,5%. Theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của Công ty Dịch vụ tài chính CME Group (Mỹ), các nhà giao dịch dự báo khả năng cao nhất là FED sẽ cắt giảm 0,25 điểm %. Dù vậy, cũng có đến 41% nhà giao dịch dự đoán mức cắt giảm 0,5 điểm %.
Một số nhà kinh tế lập luận FED nên cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % sau khi cho rằng ngân hàng trung ương này thắt chặt chính sách tiền tệ “quá nhanh, quá nhiều”. Ông Jan Szilagyi, nhà sáng lập Công ty Phân tích đầu tư Toggle AI (Mỹ), cho rằng nền kinh tế Mỹ không hẳn đang lao dốc nhưng đà tăng trưởng và nhiều chỉ số vĩ mô hàng đầu bắt đầu cho thấy FED cần phải nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn. Trái lại, theo đài CNBC, cũng có ý kiến cho rằng động thái cắt giảm lãi suất mạnh như trên là “rất nguy hiểm” cho thị trường, cũng như đề xuất mức cắt giảm 0,25 điểm %. FED dự kiến tiếp tục cắt giảm lãi suất trong 2 cuộc họp tiếp theo trong tháng 11 và tháng 12, với lãi suất cuối năm được dự báo ở mức 4,375%.
Ngân hàng Trung ương Brazil cũng tiến hành cuộc họp chính sách trong 2 ngày 17 và 18-9. Ngân hàng trung ương các nước Anh, Na Uy và Nam Phi sẽ nhóm họp trong ngày 19-9. “Chúng ta đang bước vào giai đoạn cắt giảm lãi suất” – ông John Bilton, Giám đốc toàn cầu về chiến lược đa tài sản tại Công ty Quản lý tài sản J.P. Morgan Asset Management (Mỹ), nhận định với đài CNBC.
Vào tuần rồi, Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm lãi suất 0,25 điểm % hôm 12-9. Ông Bilton cho rằng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ có động thái tương tự sau khi kinh tế nước này trong tháng 7 tiếp tục tăng trưởng khiêm tốn. Dù vậy, cuộc thăm dò được Reuters công bố hôm 13-9 cho thấy toàn bộ 65 nhà kinh tế được khảo sát đều kỳ vọng BoE giữ nguyên lãi suất ở mức 5%. Ngân hàng này vào đầu tháng 8 đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sau hơn 4 năm. Ông Ruben Segura Cayuela, chuyên gia tại Ngân hàng Bank of America, dự báo lần cắt giảm lãi suất tiếp theo của BoE sẽ diễn ra vào tháng 11.
Đáng chú ý, theo khảo sát của Reuters, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi (SARB) dự kiến có lần cắt giảm lãi suất đầu tiên trong 4 năm. Theo các chuyên gia, lãi suất dự kiến giảm 0,25 điểm % xuống còn 8%. Ở chiều ngược lại, số liệu kinh tế quý II/2024 mạnh hơn dự kiến được cho là có thể thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Brazil tăng lãi suất. Ông Wilson Ferrarezi, nhà kinh tế tại Công ty Tư vấn dự báo kinh tế vĩ mô TS Lombard (Anh), cho rằng ngân hàng này sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %, lên 10,75%. Đến cuối năm nay, con số này dự kiến tăng lên 11,5%.
Nhật Bản sẽ thắt chặt tiền tệ hơn nữa
Giới phân tích dự báo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ không tăng lãi suất khi nhóm họp trong 2 ngày 19 và 20-9. Dù vậy, đa số nhà kinh tế cho rằng BOJ sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay, theo cuộc thăm dò được Reuters tiến hành trước thềm cuộc họp.
Vào tuần rồi, bà Junko Nakagawa, thành viên Hội đồng Quản trị BoJ, nhắc lại quan điểm của BoJ, theo đó sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu kinh tế và lạm phát phù hợp với các dự báo hướng tới mục tiêu lạm phát 2%. Theo bà Nakagawa, nền kinh tế Nhật Bản đã có sự tăng trưởng vững chắc và các chỉ số kinh tế đang “đi đúng hướng”. Theo Reuters, kinh tế Nhật Bản trong quý II/2024 tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phát biểu trên được xem là tín hiệu BoJ đang chuẩn bị thắt chặt tiền tệ thêm nữa sau khi tăng lãi suất 2 lần trong năm nay. Sau một thập kỷ nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ để đối phó tình trạng giảm phát kéo dài, BoJ đã chấm dứt chính sách lãi suất âm hồi tháng 3-2024, một phần nhờ tín hiệu tích cực từ sự tăng trưởng của tiền lương và giá cả. Đến tháng 7, BoJ tăng lãi suất từ mức phạm vi 0% – 0,1% lên 0,25%.
Ông Junki Iwahashi, chuyên gia tại Ngân hàng Sumitomo Mitsui Trust, cho biết BoJ dự kiến tăng lãi suất thận trọng (với tần suất khoảng 6 tháng/lần) trong khi đánh giá tác động của việc thắt chặt tiền tệ đối với kinh tế trong nước. Dù vậy, theo chuyên gia này, việc tăng lãi suất hơn nữa sẽ thêm khó khăn nếu thị trường tài chính một lần nữa bị gián đoạn bởi sự suy giảm mạnh của kinh tế Mỹ hoặc việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tốc độ cắt giảm lãi suất.
Hoàng Phương