Theo Live Science, năng lượng tối chiếm khoảng 70% vũ trụ của chúng ta và được cho là xuất hiện sau sự kiện Vụ nổ Big Bang – cách đây 13,8 tỉ năm – để thúc đẩy sự phát triển của vũ trụ.
Nhưng vẫn chưa rõ nguồn năng lượng bí ẩn này đến từ đâu.
Trong những năm gần đây, một số nhà thiên văn học đã đề xuất một lý thuyết cấp tiến rằng, thay vì lan tỏa khắp không gian, năng lượng tối có thể xuất hiện từ trung tâm của các lỗ đen.
Nhiều người cho rằng đó là một giả thuyết kỳ quặc. Nhưng giờ đây, một nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí khoa học Journal of Cosmology and Astroparticle Physics đã đưa ra manh mối.
Các tác giả cho biết họ đã xác định được mối liên hệ giữa hai hiện tượng dường như không liên quan.
Đó là sự trùng hợp giữa mật độ năng lượng tối ngày càng tăng trong vũ trụ và khối lượng ngày càng tăng của các lỗ đen khi vũ trụ già đi.
GS Gregory Tarlé, nhà vật lý từ Đại học Michigan (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết có khả năng tồn tại các “Vụ nổ Big Bang thu nhỏ” theo chiều ngược lại.
Trong đó, các ngôi sao khổng lồ lại trở thành năng lượng tối trong quá trình sụp đổ hấp dẫn thành lỗ đen.
Để tìm kiếm manh mối, họ sử dụng Công cụ quang phổ năng lượng tối (DESI) gắn trên Kính viễn vọng Nicholas U. Mayall 4 m đặt tại bang Arizona – Mỹ, xác định vị trí hàng tháng của hàng triệu thiên hà để nghiên cứu cách vũ trụ mở rộng cho đến ngày nay.
Điều này cho phép suy ra mật độ năng lượng tối trong suốt vòng đời của vũ trụ từ tốc độ mà vũ trụ mở rộng ra bên ngoài.
Bằng cách so sánh dữ liệu này và sự phát triển của lỗ đen ở các giai đoạn khác nhau trong vòng đời của vũ trụ, các nhà nghiên cứu đã tìm ra điều thú vị.
“Hai hiện tượng này phù hợp với nhau. Khi các lỗ đen mới được tạo ra trong cái chết của các ngôi sao lớn, lượng năng lượng tối trong vũ trụ tăng lên theo cùng hướng” – PGS Duncan Farrah từ Đại học Hawaii, đồng tác giả, cho biết.
Nếu giả thuyết này được chứng minh, nó có thể giúp giải quyết một câu đố ngày càng lớn trong vũ trụ học.
Trong nhiều năm, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra rằng vũ trụ dường như đang giãn nở với tốc độ khác nhau tùy thuộc vào nơi họ nhìn.
Rất có thể điều đó phụ thuộc vào sự tồn tại của những thứ mà họ không nhìn thấy ở mỗi nơi: Các lỗ đen.