Thúc đẩy dòng vốn xanh toàn cầu

Ngày 17-4, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4 tại Hà Nội, nhiều phiên thảo luận cấp bộ trưởng đã diễn ra đồng thời, với 5 chủ đề chính về đổi mới tài chính, công nghệ, nông nghiệp bền vững, nguồn nhân lực và năng lượng xanh.

Công nghệ trở thành công cụ chiến lược

Tại phiên thảo luận “Công nghệ tạo đột phá trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững thời đại thông minh”, các đại biểu khẳng định công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số, đang trở thành công cụ chiến lược trong hành trình tối ưu hóa tài nguyên, giảm phát thải và nâng cao hiệu quả sản xuất. Các đại biểu kêu gọi tăng cường hợp tác công – tư để vượt qua rào cản kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và bảo đảm an ninh dữ liệu.

Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), bà Fatou Haidara, cho biết tổ chức này đang triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ công nghệ xanh tại Việt Nam, trong đó có Chương trình Công viên Sinh thái toàn cầu và các công nghệ sạch với tổng trị giá 13 triệu USD. UNIDO cũng đang xúc tiến sáng kiến AIM Global – Liên minh toàn cầu về AI trong công nghiệp, nhằm chia sẻ tri thức và công nghệ phục vụ phát triển bền vững.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Katsume Yasushi nêu lên kinh nghiệm của nước này trong việc áp dụng công nghệ xử lý rác thải thành năng lượng (Waste-to-Energy), hệ thống xử lý nước thải hộ gia đình (Johkasou) và công nghệ giám sát khí nhà kính bằng vệ tinh GOSAT. Ông nhấn mạnh công nghệ là “chìa khóa” xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali thực hiện nghi lễ chuyển giao vai trò chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ 5 (năm 2027) cho Ethiopia. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali thực hiện nghi lễ chuyển giao vai trò chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ 5 (năm 2027) cho Ethiopia. Ảnh: TTXVN

Tại phiên thảo luận “Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đỗ Thành Trung cho rằng tài chính xanh là một trong những động lực quan trọng nhất để hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon. 

Thứ trưởng đề xuất các quốc gia cần phối hợp xây dựng chiến lược huy động tài chính phù hợp với cấu trúc tài chính toàn cầu. Trong đó, vai trò của các định chế tài chính quốc gia cần được đặt làm trung tâm để điều phối các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các dự án xanh.

Vai trò thiết yếu của tài chính xanh

Bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), nhấn mạnh vai trò thiết yếu của tài chính xanh, ví nó như “nguồn nước” không thể thiếu trong phát triển bền vững. 

Bà cho rằng P4G là cơ hội lịch sử để thúc đẩy dòng vốn xanh toàn cầu, đặc biệt là với khu vực tư nhân và các cộng đồng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.

Hội nghị cũng tổ chức phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với cộng đồng doanh nghiệp, tập trung vào chủ đề “Hợp tác công – tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và bền vững”. Phiên đối thoại được chủ trì bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị, nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương, huy động nguồn lực xã hội và tư nhân trong công cuộc chuyển đổi xanh toàn diện, bao trùm và lâu dài.

Chiều cùng ngày, chủ trì lễ bế mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 5 kết quả đồng thuận đạt được tại hội nghị, gồm: Huy động tài chính xanh; khuyến khích công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo; chuyển đổi nông nghiệp bền vững; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chuyển đổi năng lượng hiệu quả, thân thiện với môi trường.

“Chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Việt Nam kiên định với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050” – Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động để xây dựng một hành tinh xanh, sạch và tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai.

Hội nghị đã thông qua 2 văn kiện quan trọng: Tuyên bố Hà Nội về chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm và Tuyên bố P4G về tăng cường hợp tác với các cơ chế quốc tế trong lĩnh vực tăng trưởng xanh. 

Tài chính xanh cho Việt Nam

Trong ngày 17-4, Chủ tịch nước Lương Cường đã tiếp Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Bộ trưởng Quốc phòng Kenya Soipan Tuya… nhân dịp tới Việt Nam dự hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) Sang-Hyup Kim, hoan nghênh việc GGGI đặt mục tiêu huy động thêm 1 tỉ USD tài chính xanh cho Việt Nam giai đoạn 2024 – 2028. Tiếp ông Donal Brown, Phó Chủ tịch Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD), Thủ tướng đề nghị IFAD hỗ trợ Việt Nam phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Gặp Thủ tướng, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed khẳng định sẽ tích cực trao đổi với các đối tác để sớm thực hiện nhiều dự án ở Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).