• Trang chủ
  • Quốc tế
  • Điểm nóng xung đột ngày 30-3: Lộ diện “vũ khí” mạnh mẽ của châu Âu

Điểm nóng xung đột ngày 30-3: Lộ diện “vũ khí” mạnh mẽ của châu Âu

Sau cùng, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn thực sự cần châu Âu, theo bình luận của tờ Telegraph

Mỹ đã gạt châu Âu ra khỏi các cuộc đàm phán hòa bình trong xung đột Ukraine nhưng một điều khoản bên trong thỏa thuận lớn đang dẫn đến khe cửa hẹp. Hiện tại, giới lãnh đạo cần lách qua khe cửa này để thể hiện tiếng nói trong tương lai của Ukraine và an ninh của chính lục địa già.

Để đổi lấy thỏa thuận ngừng bắn ở biển Đen gần đây, ông Donald Trump cam kết sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế với Nga. 

Moscow yêu cầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt với thực phẩm, phân bón, vận tải và máy móc nông nghiệp. Ngoài ra, Nga cũng muốn được tái kết nối với hệ thống thanh toán toàn cầu để quay lại hoạt động ngân hàng quốc tế và phục hồi thị trường trên thế giới.

Đòn bẩy mạnh mẽ

Mỹ chưa bao giờ trừng phạt trực tiếp ngành nông nghiệp Nga nhưng hạn chế quyền truy cập vào các hệ thống thanh toán quốc tế dùng trong giao dịch quốc tế. 

Trong khi đó, châu Âu đã áp đặt các quy định nặng nề với Nga sau khi xung đột Ukraine nổ ra, trải dài từ ngân hàng và dịch vụ tài chính, tàu và máy bay treo cờ Nga, máy móc nông nghiệp và năng lượng.

Điểm nóng xung đột ngày 30-3: Lộ diện "vũ khí" mạnh mẽ của châu Âu- Ảnh 1.

Châu Âu đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nặng nề với Nga sau khi xung đột Ukraine nổ ra. Ảnh: Sky News

Hồi tháng 2 vừa qua, EU thông qua gói trừng phạt thứ 16, gồm lệnh cấm tiếp cận cảng; hạn chế với các ngân hàng Nga, xuất khẩu công nghiệp và công nghệ; đình chỉ giấy phép phát sóng, cũng như các biện pháp chống lại 48 cá nhân và 35 tổ chức. 

Tới tháng 3, EU áp dụng mức thuế mới với các sản phẩm nông nghiệp và phân bón Nga. Anh và các đồng minh G7 như Canada và Nhật Bản cũng tự mình đưa ra các biện pháp tương tự.

Các quy định không có nhiều khả năng răn đe về mặt quốc phòng nhưng thị trường châu Âu khổng lồ là một vũ khí mạnh mẽ cô lập Nga bằng các biện pháp trừng phạt. 

Châu Âu cần suy tính kỹ

Sau cùng, lục địa già hiện nắm trong tay một số đòn bẩy với ông Donald Trump, người yêu cầu họ tự đứng vững trong lĩnh vực quốc phòng và phớt lờ lời kêu gọi đưa họ vào các vòng đàm phán.

Tổng thống Mỹ có thể cứng rắn với châu Âu “ăn bám” – dựa trên cuộc trò chuyện bị rò rỉ trong nhóm chat trên ứng dụng Signal – khi Nhà Trắng coi châu Âu là nhóm quốc gia gây phiền nhiễu.

Các quốc gia châu Âu sẽ cần đoàn kết dưới áp lực của Washington. Có rất nhiều chính trị gia, đặc biệt là ở Đức và Ý, muốn gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga và tái lập nguyên trạng cũ.

Ông Donald Trump dường như sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để có được một thỏa thuận hòa bình. giữa Nga và Ukraine. Vị tổng thống thừa nhận Ukraine sẽ phải nhượng bộ lãnh thổ và không thể gia nhập NATO. Việc ông sẵn sàng hứa gỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga là động thái hy sinh sớm một trong những lá bài mạnh nhất của phương Tây để đổi lại rất ít lợi ích.

Một ghế tại bàn đàm phán – nơi tương lai của châu Âu sẽ được quyết định – là phần thưởng hấp dẫn. Tuy nhiên, châu Âu cần phải cảnh giác, Telegraph nhận định. Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga ngay bây giờ có thể là sai lầm chiến lược làm suy yếu Ukraine trước khi các cuộc đàm phán hòa bình thực sự bắt đầu.