• Trang chủ
  • Thời sự
  • Nhọc nhằn, hiểm nguy nghề đi biển: Những chuyến đi biển định mệnh

Nhọc nhằn, hiểm nguy nghề đi biển: Những chuyến đi biển định mệnh

Với những người đi biển, dù có nhiều kinh nghiệm nhưng khi ra giữa biển cả mênh mông, bản thân họ và tàu thuyền bỗng trở nên bé nhỏ trước sóng dữ.

Những năm gần đây, tại các tỉnh ven biển miền Trung, miền Tây Nam Bộ, các vụ tàu, thuyền gặp nạn khi khai thác trên biển diễn ra khá thường xuyên, để lại nhiều đau thương, mất mát cho người thân.

Lằn ranh sinh tử

Dù đã xảy ra hơn 1 năm nhưng vụ chìm tàu cá BTh 97478 TS tại vùng biển Trường Sa – DK1 ngày 10-7-2022 vẫn là ký ức kinh hoàng đối với nhiều ngư dân tỉnh Bình Thuận. Vụ chìm tàu khiến 6 người mãi mãi nằm lại dưới đáy biển. Trong số 15 ngư dân có mặt trên chuyến biển này, gia đình ông Nguyễn Thanh Là (trú phường Phú Tài, TP Phan Thiết) có 4 người tham gia thì chỉ 2 người con của ông trở về. Hai người còn lại, gồm em trai Nguyễn Thành Lương và con trai đầu Nguyễn Thành Lãng đã không qua khỏi sau nhiều ngày không có thức ăn, nước uống trên chiếc thúng chai đơn độc giữa biển khơi.

Nhọc nhằn, hiểm nguy nghề đi biển: Những chuyến đi biển định mệnh - Ảnh 1.

Tàu cá của ngư dân Bình Định trong chuyến đánh bắt trên biển. Ảnh: ANH TÚ

Gia đình ông Nguyễn Thanh Là là một trong số ít trường hợp tại tỉnh Bình Thuận 2 lần rơi vào cảnh “thập tử nhất sinh” khi gặp nạn trên biển. Gần 50 năm đi biển, lão ngư dạn dày kinh nghiệm cho biết 2 lần trải qua biến cố đau thương khiến ông không thể cầm lòng. Ngoài vụ chìm tàu vào tháng 7-2022, trong năm 2014 gia đình ông cũng có 4 người – gồm 2 em trai và 2 con – tham gia chuyến đi biển bị chìm ở Kê Gà song rất may được cứu sống.

Bởi vậy, hơn ai hết, ông Nguyễn Thanh Là hiểu rất rõ hiểm nguy trong những chuyến vươn khơi. Bản thân ông từng đối chọi với lằn ranh sinh tử cách đây 27 năm khi cùng các bạn thuyền gặp phải cơn bão dữ tại đảo Thổ Chu. Năm đó, ông tham gia đi biển cùng nhóm 6 chiếc tàu của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Khi bão cuốn qua, 2 chiếc tàu bị đánh úp. “Tôi may mắn nằm trong số 4 chiếc tàu an toàn. Nhưng 40 người trên 2 chiếc tàu còn lại thì bị lật, người chết, người mất tích. Khi ra biển, bản thân mình bé nhỏ trước sóng dữ” – ông Là bộc bạch. Theo ông, dù nghề biển đối mặt đủ thứ hiểm nguy nhưng đã ăn vào máu từng thành viên gia đình nhiều thế hệ của ông.

Là một trong 3 người thoát chết kỳ diệu trong vụ tàu cá BĐ 97469 TS bị chìm trong cơn bão số 9 năm 2020, đến nay ngư dân Huỳnh Xuân Phi (43 tuổi; ngụ xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) vẫn luôn gặp ác mộng. Nhiều lúc giữa đêm giật mình thức giấc, ông không cầm được nước mắt vì thương nhớ đồng nghiệp.

Nhọc nhằn, hiểm nguy nghề đi biển: Những chuyến đi biển định mệnh - Ảnh 2.

Ngư dân Huỳnh Xuân Phi thoát chết trong vụ tai nạn chìm 2 tàu cá ở Bình Định năm 2020. Ảnh: ANH TÚ

Ông Phi cho biết chiều 27-10-2020, tàu cá BĐ 97469 TS di chuyển tránh trú bão số 9 thì bị sóng đánh chìm tại vị trí cách TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khoảng 172 hải lý về phía Đông. 14 ngư dân trên tàu lênh đênh trên biển. Đến chiều 29-10, chỉ có ông Phi cùng 2 ngư dân khác là Võ Văn Hoài (38 tuổi) và Lê Minh Don (23 tuổi, cùng ngụ xã Hoài Hải) được tàu nước ngoài cứu sống. “Lúc tàu chìm, có 2 người tử vong do sức yếu, 12 người còn lại cố gắng bám chặt vào thuyền thúng và những vật dụng trên thuyền nhưng sóng lớn đánh bung tất cả, trôi dạt từng người. Tới sáng hôm sau, nhiều người đuối sức, chịu không nổi… Chỉ còn 3 chúng tôi được tàu hàng cứu sống sau đó” – ông Phi kể.

Nỗi ám ảnh

Những ngày cuối tháng 10-2023, chúng tôi trở lại cửa biển Nhà Mát (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) dưới thời tiết nắng mưa bất chợt. Đã gần 9 năm trôi qua, câu chuyện 8 ngư dân trở về từ cõi chết trong vụ chìm tàu cá làm 2 người mất tích vẫn còn ám ảnh người dân nơi đây. Những người sống sót trong vụ tai nạn năm ấy vẫn nhớ như in buổi chiều 16-12-2014.

Hôm đó, đã qua mùa mưa bão, biển chỉ còn những cơn mưa giông trái mùa, chiếc tàu cá mang số hiệu BL 1047 TS của ngư dân Phan Văn Nam chở theo 10 người xuất phát từ cửa biển Nhà Mát ra khơi. Khi cách bờ chừng 20 hải lý thì tàu gặp nạn. Cả 10 người chia nhau bám vào dây của 2 nắp thùng xốp, thả trôi. Trong 3 ngày đêm trôi dạt trên biển, họ phải bóc cả thùng xốp ăn cầm cự. Qua ngày thứ 3 thì ngư dân Nguyễn Thanh Hận không chịu nổi đã buông tay, bỏ lại vợ và 2 con nhỏ.

Nhọc nhằn, hiểm nguy nghề đi biển: Những chuyến đi biển định mệnh - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Thành Luyến (trái) – trú phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận – trở về sau vụ chìm tàu cá BTh 97478 TS vào tháng 7-2022. Ảnh: CHÂU TỈNH

“Lúc đó, mọi người đã nghĩ đến điều tệ nhất nên tôi kêu những người còn lại lấy dây buộc chặt vào nhau để có chết cũng dễ tìm thấy xác. Đến chiều hôm đó thì Thạch Lọt (17 tuổi) kiệt sức, gục chết ngay bên cạnh chúng tôi. Tám người còn sống và 1 người chết cùng tiếp tục thả trôi. Trong lúc tuyệt vọng thì điều kỳ diệu đến. Một chiếc tàu cá của ngư dân tỉnh Bến Tre nhìn thấy và cứu sống chúng tôi” – ông Phan Văn Xuyên, người lái con tàu bị chìm, nhớ lại.

Làng Thai Dương Thượng Hạ giáp với 5 tổ dân phố thuộc phường Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế nằm trải dài từ cửa biển Thuận An đến đập Hòa Duân. Ngôi làng bao đời nay người dân sống nhờ biển cả giờ đây cuộc sống có vẻ đã khấm khá hơn. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn không bao giờ quên ký ức buồn trong những chuyến đi biển. Đó là vào 14 giờ ngày 12-10-1992, trời nắng, gió nhẹ, biển êm, con tàu 200 CV của ông Võ Điểu, ngụ phường Thuận An, chở 8 ngư dân bắt đầu đạp sóng ra khơi. Rời cửa Thuận An, họ nhằm hướng Đông Bắc mà đi, khi cách bờ khoảng 25-30 hải lý thì bắt đầu bủa lưới. “Trước khi đi, chúng tôi đã nghe đài báo sau vài ngày nữa biển sẽ động. Hồi đó, đi biển về trong ngày, đánh bắt không được thì mới ở lại đến ngày sau vào bờ” – ông Trần Sấm, ngụ phường Thuận An, kể lại.

Sáng hôm sau, con tàu của ông Võ Điểu cùng với đoàn tàu đánh cá ở Thuận An nối đuôi nhau vào bờ. Thời tiết chuyển xấu, biển động. Tại cửa Thuận An sóng khá cao. Trong cabin, ông Điểu đứng một bên vô lăng, bên kia là một ngư dân khác, họ cùng nhau điều khiển chiếc tàu cá vượt cửa biển vào bờ. Sóng xô bên này thì người lái bên kia ghì lại. Cứ như vậy, hai người dùng hết sức để lái con tàu chống chọi với sóng. Nước sâu chưa tới 3 m nhưng sóng khá cao khiến con tàu nghiêng từ từ rồi lật úp. Họ nhảy khỏi tàu. Chủ tàu cá Võ Điểu và người cháu Võ Cường chìm xuống nước, mất tích ngay sau đó; 6 ngư dân còn lại bị sóng xô ra xa rồi lại đẩy vào cửa biển. Mọi người cố thả mình theo con sóng.

Với kinh nghiệm đi biển nên các ngư dân biết cách xử trí. Sóng lớn ập vào thì họ lặn xuống, sóng qua lại ngoi lên túm lấy phao mà thở. Sóng đẩy ra xa thì họ chụm lại với nhau để cùng hợp sức chống chọi. Họ cố gắng tìm kiếm những thứ từ tàu cá rơi xuống đang nổi trên mặt nước để bám víu. Ngư dân Trần Sấm vớ được chiếc can nhựa, ông nhanh chóng mở nắp đổ hết nước bên trong rồi đậy lại làm phao… để níu kéo sự sống. Trong vụ tai nạn này người dân Thuận An mất đi 2 người con, vài ngày sau, thi thể chú cháu ông Võ Điểu được tìm thấy tại bờ biển Đà Nẵng. 

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn tàu cá

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, trung bình mỗi năm trên địa bàn xảy ra khoảng 160 vụ tai nạn tàu cá, khiến 26 người chết và mất tích.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn tàu cá. Đó là do luồng hàng hải quốc tế nhộn nhịp nên nhiều tàu khai thác tại các khu vực đan xen giữa ngư trường khai thác và tuyến đường hàng hải dễ xảy ra tai nạn đâm va. Bên cạnh đó, ngư trường đánh bắt ở những vùng biển xa bờ thường xuyên phải đối mặt với bão tố và lốc xoáy. Tàu cá Bình Định chiếm 97,75% vỏ gỗ, trong đó có 35,21% tàu hoạt động hơn 10 năm nên tiềm ẩn nguy hiểm, khả năng chịu tác động của sóng gió và ngoại lực thấp. Trình độ của thuyền trưởng, máy trưởng, ngư dân còn hạn chế trong hoạt động tổ chức khai thác và hàng hải, dẫn đến tai nạn do thiếu hiểu biết về quy tắc tránh va. Ngoài ra, ý thức về cảnh giới an toàn hàng hải trên biển kém, sự chủ quan, bất cẩn trong quá trình lao động và sinh hoạt dẫn đến tai nạn lao động do công cụ sản xuất gây nên hoặc rơi xuống biển mất tích…

(Còn tiếp)