• Trang chủ
  • Kinh doanh
  • Ông Hoàng Nam Tiến: Sếp nào cũng nói tài sản quý nhất là con người, nhưng hễ gặp khó khăn lại cho bớt ‘tài sản’ ấy ra đường

Ông Hoàng Nam Tiến: Sếp nào cũng nói tài sản quý nhất là con người, nhưng hễ gặp khó khăn lại cho bớt ‘tài sản’ ấy ra đường

Chia sẻ tại sự kiện “Gắn kết đội ngũ: Tăng lương hay tăng trải nghiệm” mới đây, ông Hoàng Nam Tiến – Phó chủ tịch Hội đồng trường FPT – cho biết: Trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, phần lớn doanh nghiệp đang đối diện với câu chuyện cắt CHI PHÍ hay cắt NGƯỜI.

“Rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp lớn, hay nói “Con người là tài sản quý nhất của doanh nghiệp. Nhưng bao giờ cũng thế, khi nào gặp khó khăn thì cho bớt “tài sản” ấy ra đường. Đấy là sự thật”.

“Một điều thầm kín họ không trả lời công khai, có lẽ rất nhiều lãnh đạo (không phải tất cả), sẽ chọn cắt người. Cho nhàn”, ông Tiến nói.

photo-1-16705750640861189888272-crop-16705750864312025684633.jpg
Ảnh minh họa.

Ông cũng chia sẻ câu chuyện của chính FPT trong đỉnh dịch Covid. Khi ấy là tháng 7/2021 – thời điểm TPHCM, rồi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, các hoạt động kinh doanh không thiết yếu đều phải tạm ngưng.

“Các doanh nghiệp rơi vào tình trạng đóng cửa, ngủ đông, suy giảm kinh tế, anh Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT – gọi tất cả lãnh đạo vào họp online. Trong đó, nhấn mạnh một thông điệp: Không ai được mất việc!”

“Chúng tôi quý anh em mình lắm, nhưng khó kinh khủng. Giờ nào có được ra ngoài bán hàng. Các bạn FPT Retail bảo ‘Em không được đến cửa hàng’. Các bạn làm dự án bảo ‘Có hàng nhưng có mang sang bên khách hàng lắp đặt được đâu’. Vậy thì làm thế nào để không ai mất việc?”, ông Tiến nhớ lại.

Ông Trương Gia Bình lúc ấy nói rằng, việc tìm giải pháp là trách nhiệm của người lãnh đạo, yêu cầu không trình bày lý do.

“Chúng tôi đã phải tìm mọi cách trên đời, từ cắt lương lãnh đạo, cắt chi phí, cắt đủ mọi thứ, nhưng không cắt lương anh em. Tôi khẳng định điều này”, ông Tiến nhớ lại.

Nếu buộc phải cắt nhân sự, nên cắt thế nào?

anh-chup-man-hinh-2023-10-22-luc-07.39.54.png
Ảnh minh họa.

Ở một diễn biến trước đó, công ty ông Tiến làm việc từng nằm trong thời kỳ C20 – cắt 20% nhân sự, mặc dù cắt giảm nhân sự là điều không ai muốn.

“Khi khó khăn quá, chúng tôi đành cắt người. Và đau lòng lắm. Thay vì triết lý cao đẹp, bọn tôi nhậu, người đi người ở ôm chặt nhau. Người đi dặn dò ‘Mày ở lại làm thay anh/chị’”, ông Tiến kể.

Hành động đầu tiên ông thực hiện với những lao động bị cắt giảm là sự chia sẻ. Sau này, khi đọc sách, ông nghiệm ra đấy là hành động lan tỏa Oxytocin – hormon hạnh phúc.

Một yếu tố nữa giúp giảm nhẹ trải nghiệm tiêu cực của nhân viên khi cắt giảm nhân sự là áp dụng công nghệ để giảm tải công việc cho người ở lại.

“Tất nhiên, không ai muốn bị mất việc, nhưng chúng ta phải làm cho những người ở lại hiểu mình phải làm tốt, để công ty vẫn tăng trưởng, để chính mình không bị rơi vào tình trạng mất việc tiếp”.

“Giai đoạn dịch bệnh, các doanh nghiệp đều rơi vào tình trạng mất việc. Chúng tôi bị chững một đoạn đầu tiên. Còn sau đó, giữa mùa dịch, giai đoạn khó khăn nhất, FPT vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 2 con số trong rất nhiều lĩnh vực, không chỉ mảng Telecom”, ông Tiến kể.

Ông Tiến đúc rút lại: Khi cần cắt nhân sự, cần làm 2 việc. Một là có sự chia sẻ từ người lãnh đạo, kể cả cấp lãnh đạo cao nhất, chia sẻ được sứ mệnh công ty, đặc biệt chia sẻ cả hoàn cảnh của từng người thôi việc. Hai là tập trung những gì tốt nhất, tận dụng được mọi cơ hội, làm việc với nỗ lực cao nhất có thể, để những người ở lại không phải là người bị mất việc tiếp theo.