• Trang chủ
  • Quốc tế
  • Phát hiện hài cốt người đàn ông khác loài ở Đài Loan (Trung Quốc)

Phát hiện hài cốt người đàn ông khác loài ở Đài Loan (Trung Quốc)

Theo AP, phần hài cốt hóa thạch của người đàn ông bí ẩn đã được tìm thấy tình cờ nhờ một hoạt động đánh bắt cá ở kênh Bành Hồ, gần eo biển Đài Loan (Trung Quốc).

Mẫu vật bị trôi dạt thông qua các hoạt động buôn bán đồ cổ một thời gian dài trước khi một nhà sưu tập phát hiện ra và mua nó vào năm 2008, sau đó tặng cho một bảo tàng khoa học tự nhiên ở Đài Loan.

Phát hiện hài cốt người đàn ông khác loài ở Đài Loan (Trung Quốc)- Ảnh 1.

Ảnh đồ họa mô tả một người đàn ông Denisovan sống vào thế Canh Tân. Một phần hài cốt hóa thạch của ông đã được tìm thấy ngoài khơi Đài Loan (Trung Quốc) – Ảnh: Cheng-Han Sun

Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy phần hài cốt hóa thạch – bao gồm một phần xương hàm với vài chiếc răng – là của một người sống vào thế Canh Tân (Pleistocen). Niên đại này được đưa ra dựa vào hóa thạch các động vật biển quanh khu vực mảnh hài cốt người được phát hiện.

Thế Canh Tân là một thời kỳ địa chất kéo dài từ khoảng 2,6 triệu đến 11.700 năm trước.

Hình thái của phần xương hàm cũng cho thấy nhiều đặc điểm không giống với loài Homo sapiens chúng ta thuộc về. Nhưng giờ đây, sau nhiều năm, các nhà khoa học mới xác định được loài thật sự của người đàn ông bí ẩn này: Denisovan.

Theo Sci-News, việc tìm kiếm DNA từ một mẫu hài cốt cổ xưa như vậy dường như là bất khả thi. Mặc dù vậy, một số phân tích di truyền tinh vi hơn dựa trên các protein đã giúp nhóm nghiên cứu đi đến kết quả.

Công trình dẫn đầu bởi TS Takumi Tsutaya từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch) và Đại học Sau đại học về nghiên cứu Nâng cao (SOKENDAI – Nhật Bản) và vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science hôm 11-4.

Denisovan, có khi được viết là Denisova hay Denisovans, là một loài anh em cùng thuộc chi Người (chi Homo) với Homo sapiens chúng ta.

Loài chúng ta, Denisovan cũng như một loài người khác nữa là Neanderthals được cho là tách từ một dòng dõi tổ tiên chung.

Trong đó, người Denisovan được cho là tách ra khoảng 400.000 năm trước, trong khi loài chúng ta là khoảng 300.000 năm trước.

Theo TS Tsutaya, họ đã chiết xuất protein từ xương và men răng từ hóa thạch và thu được 4.241 axit amin, trong đó có 2 biến thể protein đặc trưng của người Denisovan.

Ngoài ra, phân tích hình thái của mẫu vật – được đặt tên là Penghu 1 – cho thấy cấu trúc hàm chắc khỏe với răng hàm lớn và cấu trúc chân răng đặc biệt, giống với các mẫu vật hiếm hoi khác của loài người cổ này ở Tây Tạng và khác với các loài khác trong chi Homo.

Mặc dù chỉ là một mảnh xương hàm, nhưng đây là phần hài cốt Denisovan đầy đủ nhất từng được tìm thấy trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu chưa xác nhận được niên đại cụ thể hơn của hài cốt, nhưng chắc chắn người đàn ông bí ẩn này sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin đáng giá về dòng dõi tổ tiên khác loài đã để lại DNA trong nhiều người châu Á ngày nay.

Bên cạnh đó, phát hiện này cũng mở rộng bản đồ phân bố của loài người cổ này ở châu Á.