Thị trường diễn biến phức tạp

Một tuần đầy biến động do các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, khi các thị trường tài chính tiếp tục dao động mạnh.

Theo hãng tin AP, thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục giảm điểm hôm 11-4 và đồng USD suy giảm sau một tuần giao dịch tồi tệ khi cuộc chiến thương mại toàn diện bùng nổ và thị trường trái phiếu bị bán tháo. 

Điều này đã làm dấy lên nỗi lo về suy thoái kinh tế và làm lung lay niềm tin vào các tài sản của Mỹ. Ông Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại nền tảng giao dịch trực tuyến Capital.com, nhận định có một cuộc tháo chạy khỏi các tài sản của Mỹ.

Ông Vasu Menon, Giám đốc điều hành chiến lược đầu tư tại Ngân hàng OCBC ở Singapore, cho rằng triển vọng ngắn hạn đối với các tài sản rủi ro trên toàn cầu vẫn không chắc chắn do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế và lạm phát, tâm lý thay đổi liên tục và các diễn biến nhanh chóng liên quan đến thương mại và thuế quan.

Thị trường diễn biến phức tạp- Ảnh 1.

Vani phơi khô tại vùng Ambanja, Tây Bắc Madagascar. Ảnh: MADÉCASSE

Trong khi đó, giá vàng thế giới đã vượt mốc quan trọng 3.200 USD/ounce lần đầu tiên hôm 11-4 và đã tăng hơn 5% trong tuần này. 

“Nguy cơ suy thoái kinh tế đang tăng, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt và đồng USD tiếp tục yếu đi, tất cả những yếu tố này khiến vàng trở thành công cụ bảo vệ trong thời kỳ khủng hoảng và chống lại lạm phát” – ông Alexander Zumpfe, nhà giao dịch kim loại quý tại Tập đoàn Heraeus Metals Germany (Đức), giải thích. 

Trong khi đó, nhà phân tích Giovanni Staunovo tại Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) dự báo vàng có thể tăng lên mốc 3.400 – 3.500 USD/ounce trong những tháng tới.

Sau khi ông Donald Trump tạm dừng thuế đối ứng mức cao với các đối tác, ngoại trừ Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 11-4 cho biết không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến thuế quan và việc đi ngược lại thế giới chỉ dẫn đến sự tự cô lập.

 Trong bình luận đầu tiên kể từ khi cuộc chiến thuế quan “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng leo thang, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc luôn phát triển nhờ vào sự tự lực và nỗ lực bền bỉ trong hơn 70 năm qua.

Theo Tân Hoa xã, phát biểu này được đưa ra trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại thủ đô Bắc Kinh, nơi hai nhà lãnh đạo thống nhất ủng hộ mạnh mẽ toàn cầu hóa kinh tế và thương mại tự do.

Cùng ngày, Bắc Kinh công bố mức thuế mới lên tới 125% đánh lên hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc, nhằm đáp trả mức thuế 145% theo chiều ngược lại được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố một ngày trước đó.

 Song song đó, Bắc Kinh cho biết sẽ hạn chế nhập khẩu phim Hollywood, hạn chế một số công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc hoặc nhập khẩu hàng hóa lưỡng dụng của Trung Quốc. Theo AP, Trung Quốc cũng đang tìm cách hợp tác với các quốc gia khác để ứng phó thuế quan Mỹ.

Đối với các nhà xuất khẩu của Trung Quốc, mức thuế quan “khủng” mà ông Donald Trump đưa ra đồng nghĩa họ phải đẩy nhanh kế hoạch đa dạng hóa hoạt động. 

Ông Ryan Zhao, Giám đốc của Jiangsu Green Willow Textile (một công ty chuyên cung cấp chăn, drap, gối), cho đài CNBC biết người tiêu dùng Mỹ có thể không còn mua được một số sản phẩm nhất định vào tháng 6 vì nhiều công ty Mỹ đã dừng kế hoạch nhập khẩu hàng dệt may từ Trung Quốc. 

Một số hãng dệt may lớn của Trung Quốc đang chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á cũng như phát triển khách hàng ở khu vực này cùng Mỹ Latin, Trung Đông và châu Âu để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Theo ông Ryan Zhao, đối với các mặt hàng tiếp tục được xuất khẩu đến Mỹ, không thể dự đoán được chúng sẽ tăng giá bao nhiêu khi đến tay người tiêu dùng Mỹ. Phải mất 2-4 tháng để hàng hóa rời cảng ở Trung Quốc và xuất hiện trên kệ siêu thị tại Mỹ. Trong 2 tháng qua, thuế đã nhảy vọt từ 10% lên 145%.

Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia tại Công ty tư vấn Capital Economics (Anh), nhận định mức thuế cao có thể khiến lượng hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm tới 80% trong vòng 2 năm tới. Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ hai cho Mỹ vào năm 2024, với kim ngạch nhập khẩu tăng 2,8% lên mức 438,95 tỉ USD. 

Các nước châu Phi căng thẳng

Các quốc gia châu Phi, vốn đối mặt với những mức thuế đối ứng cao nhất từ chính quyền ông Donald Trump, chưa kịp tạm thở phào đã phải đối mặt những bất ổn mới bao trùm lên các ngành chủ chốt như xuất khẩu quần áo, dệt may, vani và trái cây sang Mỹ.

Lesotho bị Mỹ áp mức thuế 50% trước khi được tạm hoãn trong 90 ngày. Đây là mức thuế quan cao thứ hai sau Trung Quốc. Vấn đề cấp bách nhất của Lesotho là các đối thủ trong khu vực như Kenya và Eswatini bị áp mức thuế xuất khẩu thấp hơn nhiều. Các quan chức cảnh báo bất lợi về cạnh tranh có thể khiến hơn chục nhà máy ở Lesotho phải đóng cửa và làm mất hơn 12.000 việc làm.

Tại Madagascar, các nhà xuất khẩu đang vội vã đưa vani đến thị trường lớn nhất của họ là Mỹ trước khi thuế quan có hiệu lực. Cam quýt của Nam Phi trước đây được miễn thuế khi xuất sang Mỹ theo Đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội châu Phi (AGOA), một hiệp định 25 năm tuổi mang lại lợi ích cho hàng chục quốc gia châu Phi. Bộ trưởng Thương mại Nam Phi Parks Tau cho biết sẽ “rất khó” để AGOA được gia hạn khi nó hết hạn vào tháng 9 tới, bởi lập trường của chính quyền ông Donald Trump quá cứng rắn.