Tranh cãi pháp lý về thuế đối ứng của Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đối mặt thách thức pháp lý liên quan chính sách thuế quan đang thực thi. Vấn đề nằm ở Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) mà ông chủ Nhà Trắng viện dẫn để áp đặt thuế đối ứng, được công bố ngày 2-4.

Theo trang Politico, đạo luật được ban hành năm 1977 này trao cho tổng thống Mỹ quyền hạn rộng rãi để ứng phó với tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tuy nhiên, ông Donald Trump là nhà lãnh đạo đầu tiên sử dụng đạo luật này để áp thuế, một quyền hạn mà Hiến pháp trao cho Quốc hội.

Các học giả pháp lý cho rằng một thẩm phán hoàn toàn có thể kết luận hành động này là bất hợp pháp. “IEEPA liệt kê một danh sách dài những điều tổng thống có thể làm nhưng không hề có chỗ nào nói đến thuế quan” – bà Liza Goitein, chuyên gia tại Trung tâm Tư pháp Brennan – Trường Luật Đại học New York (Mỹ), nhận định. Theo bà Goitein, hoàn toàn có cơ sở để thách thức việc sử dụng IEEPA để áp thuế, dựa trên chính án lệ của Tòa án Tối cao Mỹ.

Trong khi đó, một số nghị sĩ cho rằng Quốc hội Mỹ đã trao quá nhiều quyền lực về thuế quan cho nhánh hành pháp. Hai thượng nghị sĩ Chuck Grassley (Đảng Cộng hòa) và Maria Cantwell (Đảng Dân chủ) ngày 3-4 đề xuất dự luật nhằm khôi phục quyền kiểm soát của Quốc hội đối với chính sách thuế quan trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump leo thang cuộc chiến thương mại.

Cụ thể, dự luật yêu cầu tổng thống thông báo cho Quốc hội trong vòng 48 giờ về thuế mới và Quốc hội phải hành động để phê duyệt các mức thuế này trong vòng 60 ngày. Dự luật cũng cho phép Quốc hội chấm dứt bất kỳ mức thuế nào vào bất kỳ thời điểm nào.

Một tàu container đến San Francisco - Mỹ ngày 4-4Ảnh: AP

Một tàu container đến San Francisco – Mỹ ngày 4-4Ảnh: AP

Dự luật trên khó có khả năng được thông qua tại Quốc hội hiện do Đảng Cộng hòa kiểm soát do nhiều nghị sĩ đảng này vẫn đang ủng hộ ông Donald Trump. Dù vậy, một số thành viên đảng này bày tỏ lo ngại về thuế đối ứng và sự lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ.

Theo trang The Guardian, Thượng nghị sĩ Ted Cruz ngày 4-4 cảnh báo Đảng Cộng hòa có thể chịu tổn thất trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026 nếu thuế đối ứng dẫn đến suy thoái. Ông Cruz cũng cảnh báo rằng nếu các mức thuế mà Tổng thống Donald Trump công bố tiếp tục duy trì lâu dài và đối mặt sự trả đũa toàn cầu đối với hàng hóa Mỹ, điều này có thể kích hoạt một cuộc chiến thương mại toàn diện, “sẽ phá hủy công ăn việc làm” trong nước và “gây thiệt hại nghiêm trọng” cho nền kinh tế đất nước.

Ngày 5-4, Mỹ bắt đầu thu thuế nhập khẩu cơ bản 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ ngày 9-4, mức thuế đối ứng cao hơn – từ 11% đến 50% – sẽ chính thức có hiệu lực. Trong số này, hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) sẽ chịu mức thuế 20%.

Đáp lại, EU cam kết sẽ có biện pháp trả đũa nếu cần, như áp đặt thuế quan, đánh thuế dịch vụ và nhắm mục tiêu vào các công ty công nghệ Mỹ. “Chúng tôi có vài công cụ trong tay ở cấp độ châu Âu: quy định, tài chính, hải quan” – Bộ trưởng Tài chính Pháp Eric Lombard cho biết ngày 5-4.

Theo ông Lombard, EU có thể tăng cường một số yêu cầu về môi trường hoặc điều chỉnh việc sử dụng dữ liệu của các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ. Quan chức này cho biết các quy định của EU cũng cho phép đánh thuế đối với một số hoạt động của Mỹ. Dù vậy, Bộ trưởng Lombard nhấn mạnh ông vẫn nhìn thấy khả năng các mức thuế có thể được dỡ bỏ thông qua đàm phán. 

Thuế quan phủ bóng quan hệ Mỹ – Israel

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dự kiến đến thủ đô Washington để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thảo luận về các vấn đề nóng, từ thuế quan, tình hình Dải Gaza cho đến “mối đe dọa từ Iran”. Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết cuộc gặp sẽ diễn ra trong ngày 7-4.

Theo trang The Guardian, ông Netanyahu sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Mỹ trong nỗ lực thương thảo về thỏa thuận tốt hơn liên quan thuế quan. Trước đó, Israel tìm cách tránh thuế đối ứng bằng cách dỡ bỏ mọi mức thuế còn lại đối với 1% hàng hóa Mỹ vẫn bị áp thuế. Bước đi này diễn ra ngày 1-4 nhưng vẫn không thể ngăn ông Donald Trump công bố mức thuế 17% đối với hàng nhập khẩu từ Israel một ngày sau đó. Nhà lãnh đạo này cho rằng Washington đang có thâm hụt thương mại đáng kể với Israel – một đồng minh thân cận và cũng là nước nhận viện trợ quân sự lớn nhất từ Mỹ.

Hai nước này đã ký thỏa thuận thương mại tự do cách đây 40 năm và khoảng 98% hàng hóa từ Mỹ vào Israel hiện được miễn thuế. Một quan chức Bộ Tài chính Israel cho biết thuế đối ứng nói trên có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu máy móc và thiết bị y tế của nước này.