Theo NASA, cây đàn guitar mờ ảo trong vũ trụ được ghi lại trong bức ảnh được gọi là “Tinh vân Guitar”, một đám mây khí hydro khổng lồ nằm cách Trái Đất khoảng 6.500 năm ánh sáng.
Tinh vân Guitar vốn là định hình nhờ hiện tượng gọi là “cú sốc cánh cung”, tạo ra từ vật liệu bị thổi bay khỏi sao xung B2224+65a, “thây ma” bất tử của một ngôi sao khổng lồ đã sụp đổ.
Nhìn từ Trái Đất, tinh vân này trông giống như một nhạc cụ đơn giản. Nhưng trên thực tế, nó là một khối hỗn loạn, không có hình dạng chảy ra từ ngôi sao chết.
Tinh vân này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1993 nhưng đây là lần đầu tiên nó được quan sát rõ ràng như thế.
Trong hình ảnh mới, có thể thấy có một luồng sáng hơi cong, gần như vuông góc với trục của cây đày guitar.
Đó chính là luồng năng lượng khổng lồ dài khoảng 2 năm ánh sáng (19 ngàn tỉ km) mà ngôi sao xung bất tử nói trên đang phun trào.
Nhìn từ xa trông như cây đàn guitar đang phun lửa trong một màn trình diễn điên cuồng giữa bầu trời.
Những hình ảnh mới là sự kết hợp các quan sát được thực hiện bởi Đài quan sát Palomar ở California (Mỹ), cho thấy ánh sáng khả kiến có màu xanh lam; cũng như kính viễn vọng không gian Đài quan sát tia X Chandra, cho thấy tia X do luồng phản lực phát ra có màu đỏ.
Trong khi Tinh vân Guitar và tia “phun lửa” không kết nối trực tiếp với nhau, một nghiên cứu năm 2022 sử dụng dữ liệu từ Chandra và kính viễn vọng Không gian Hubble đã tiết lộ nhiều yếu tố trong môi trường của các vì sao có thể định hình tinh vân cũng như luồng tia.
Do vậy, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng việc tiếp tục nghiên cứu sao xung này sẽ mang lại những hiểu biết mới về môi trường liên sao bí ẩn trong thiên hà của chúng ta.