Đúng vào dịp tròn 1.000 ngày diễn ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, nhiều diễn biến mới từ các bên liên quan đều tác động theo hướng làm cho cuộc xung đột thêm quyết liệt, kéo dài và kết cục cuối cùng thêm bất định. Đã có không ít người đề cập đến cái gọi là “bước ngoặt quyết định” ở cuộc xung đột, hàm ý nó đi vào hồi kết. Cũng có những đánh giá cho rằng cuộc khủng hoảng rồi đây sẽ được chấm dứt nhờ sự trở lại cầm quyền ở Mỹ của ông Donald Trump.
Mới rồi, Mỹ và đồng minh tiếp tục viện trợ quân sự ồ ạt cho Ukraine. Hai tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa được Washington cung cấp để không kích sâu bên trong lãnh thổ Nga. Mỹ còn được cho là cung cấp mìn sát thương cho Ukraine bất chấp loại vũ khí này bị cấm bởi Công ước Ottawa năm 1997 của Liên Hiệp Quốc.
Ukraine đã sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS của Mỹ và Storm Shadow của Anh để không kích một số mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Đáp lại, Nga lần đầu tiên dùng Oreshnik, một loại tên lửa tầm trung mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tấn công Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng thời ban hành học thuyết hạt nhân sửa đổi với nội dung sửa đổi cốt lõi nhất là Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm cả vào nước có vũ khí hạt nhân cung cấp cho Ukraine những chủng loại vũ khí có thể dùng để xâm hại an ninh và chủ quyền của Nga.
Mỹ cũng đã toan tính đến việc điều chỉnh học thuyết hạt nhân. Mỹ, NATO, Ukraine và đồng minh còn cáo buộc Triều Tiên đưa binh lính đến cùng Nga tái chiếm vùng Kursk. Quân đội Nga vẫn tiến bước ở miền Đông Ukraine và ở vùng Kursk (Nga) thì tiếp tục đẩy lùi quân đội Ukraine về phía bên kia biên giới.
Qua đó có thể thấy cục diện cuộc xung đột chưa thay đổi căn bản gì. Nga vẫn chiếm lợi thế. Thế nên, Mỹ và đồng minh mới buộc phải bước qua hết lằn ranh đỏ này đến lằn ranh đỏ khác. Hiện chưa lộ diện dấu hiệu nào cho thấy cả hai phía hoặc một trong hai bên dừng leo thang xung đột. Triển vọng về giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc khủng hoảng cũng vì vậy càng thêm mịt mờ.
Trong số những điều kiện tiên quyết Nga đưa ra cho giải pháp này, có hai điều kiện mà Ukraine cho tới nay luôn kiên quyết bác bỏ. Đó là Ukraine phải trung lập và từ bỏ chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ đang chịu sự kiểm soát của Nga.
Nhưng đấy là ở thời ông Joe Biden làm tổng thống Mỹ. Khi ông Donald Trump trở lại cầm quyền thì nhiều khả năng sẽ khác. Ông Trump có thể sẽ như ông Biden lâu nay đối với Ukraine và Nga, có thể sẽ hậu thuẫn Ukraine còn nhiệt tình hơn ông Biden nhưng cũng có thể cắt bớt viện trợ tài chính và quân sự để buộc Ukraine chấp nhận đàm phán hòa bình với Nga. Chỉ trong trường hợp cuối cùng kia thì mới có bước ngoặt đối với cuộc xung đột.
Trong vận động tranh cử, ông Trump đã cam kết vậy nhưng chẳng có gì bảo đảm ông sẽ thực hiện nó sau khi chính thức nhậm chức tổng thống. Càng không có gì cho thấy và bảo đảm ông Trump sẽ thực hiện thành công cam kết kia.
Hạ hồi sẽ phân giải tất cả. Hiện chỉ có thể chắc chắn rằng xung đột ở Ukraine sẽ còn tiếp tục leo thang căng thẳng.