Đức bày tỏ “điều đáng tiếc” trong xung đột Ukraine

Nhiều hãng tin tuần này cho biết Mỹ sẽ gửi mìn chống bộ binh cho Ukraine.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, mìn chống bộ binh bị cấm theo Công ước Ottawa năm 1997 nhưng mới được Washington đề nghị cung cấp cho Kiev trong tuần này.

Phát biểu trước báo chí hôm 22-11, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Christian Wagner ban đầu tránh câu hỏi về việc Kiev sử dụng mìn chống bộ binh, đồng thời cáo buộc quân đội Nga sử dụng loại vũ khí này ở “quy mô lớn”.

Đức bày tỏ "điều đáng tiếc" trong xung đột Ukraine- Ảnh 1.

Một số loại mìn chống bộ binh thu được tại Iraq năm 2003. Ảnh: ICRC

Tuy nhiên, ông Wagner sau đó cho biết Đức lấy làm tiếc về quyết định của Ukraine. Cũng theo ông Wagner, Đức là nước tham gia Công ước Ottawa năm 1997 và vẫn cam kết thực hiện hiệp ước này.

Đài RT cho biết Nga không phải là nước tham gia Công ước Ottawa năm 1997 trong khi Ukraine là nước tham gia,

Hơn 160 nước đã ký Hiệp ước Ottawa năm 1997, nội dung cấm chế tạo và chuyển giao mìn chống bộ binh.

Giám đốc điều hành Trung tâm dân thường trong xung đột (CIVIC) Hichem Khadhraoui nói với trang Politico tuần này: “Những thiết bị này gây ra mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với dân thường trong nhiều năm sau khi chiến sự kết thúc”. 

Hồi năm ngoái, Mỹ được cho là cung cấp bom chùm cho Ukraine. Đây là loại vũ khí bị hơn 100 nước cấm sử dụng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về bom chùm (CCM) năm 2008 do mối nguy hiểm đối với dân thường.

Mỹ đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ Anh, Canada, Đức, một số nước NATO và ngoài NATO về quyết định đó.