Làm sâu sắc hợp tác Việt Nam – Pháp ngữ

Trưa 4-10 (giờ địa phương, tức tối 4-10 giờ Việt Nam), tại lâu đài Villers-Cotterêts của Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo chủ trì lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các trưởng đoàn tham dự khai mạc Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19.

Tổng vốn đầu tư hơn 17 tỉ USD

Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 thu hút gần 160 phái đoàn và 60 nguyên thủ quốc gia hoặc chính phủ, đến từ gần 100 nước trong đó có 88 quốc gia thành viên và quan sát viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF). Đoàn Việt Nam do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu.

Trong 2 ngày diễn ra hội nghị (ngày 4 và 5-10), lãnh đạo các nước thành viên cùng nhau xem xét báo cáo của Tổng Thư ký về hoạt động của OIF thời gian qua, báo cáo của Diễn đàn Bộ trưởng lần thứ 45 (CMF-45), thông cáo của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), trao đổi về các vấn đề thời sự và các cuộc khủng hoảng quốc tế lớn hiện có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cộng đồng quốc tế nói chung và các quốc gia có sử dụng tiếng Pháp nói riêng.

Với chủ đề “Sáng tạo, đổi mới và thực hiện bằng tiếng Pháp”, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 19 là dịp để các nguyên thủ quốc gia và chính phủ tập trung vào sự sáng tạo, đổi mới và tinh thần kinh doanh – những nhân tố quyết định cho tương lai của tiếng Pháp. Đặc biệt, phiên thảo luận chuyên đề bàn tròn với chủ đề “Sáng tạo, đổi mới và tạo việc làm bằng tiếng Pháp cho thanh niên” thu hút sự tham gia lần đầu tiên của các nhà sáng tạo trẻ, các nhà đổi mới và doanh nhân.

Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị, góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn thông điệp về một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm và luôn sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức, đóng góp vào một tương lai “hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển bền vững”, như mục tiêu mà Hội nghị cấp cao Pháp ngữ hướng tới.

Quan hệ giữa Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ ngày càng được cải thiện và phát triển. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm với vai trò và vị thế ngày càng được khẳng định, những năm qua, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Hội đồng Thường trực Pháp ngữ (CPF), Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF), Chủ tịch Hội nghị cấp cao Pháp ngữ… Đặc biệt, năm 1997, Việt Nam đã đăng cai tổ chức hội nghị cấp cao đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á.

Đến nay, Việt Nam đã có trao đổi thương mại chính thức 44/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF. Về đầu tư, tính đến hết tháng 6-2024, có 21/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với 1.772 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 17 tỉ USD, chiếm 3,42% tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự khai mạc Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 Ảnh: TTXVN

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự khai mạc Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 Ảnh: TTXVN

Mời gọi các doanh nghiệp Pháp ngữ

Trước đó, sáng cùng ngày 4-10 (giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ về đổi mới, sáng tạo (Franco Tech) tổ chức tại Paris.

Trong bài phát biểu quan trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao 5 chủ đề trọng tâm của Diễn đàn Franco Tech, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trước những vấn đề cấp bách như: Trí tuệ nhân tạo, Chuyển đổi năng lượng, Vốn con người, An ninh lương thực và Đổi mới sáng tạo. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đồng thời tin tưởng diễn đàn sẽ tạo cơ hội để kết nối các doanh nghiệp Pháp ngữ. Với dân số hơn 1,2 tỉ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu, không gian Pháp ngữ là mảnh đất đầy tiềm năng và cơ hội cho hợp tác kinh tế, đầu tư và trao đổi thương mại.

Các chủ đề trọng tâm của Diễn đàn Franco Tech 2024 cũng chính là những vấn đề mà nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Với dân số trẻ, năng động và sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số, Việt Nam đang trở thành thị trường đầy tiềm năng. Đặt mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại, với trọng tâm xây dựng nền kinh tế số, Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác, trong đó có Pháp và các nước Pháp ngữ, để phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, năng lượng hydrogen xanh và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Tại diễn đàn này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục quan tâm, đến đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam đang tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn và có vị thế và vị trí rất thuận lợi để giúp các doanh nghiệp cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục vươn xa thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn mang tầm vóc quốc tế. Việt Nam sẵn sàng tham gia hỗ trợ các nước châu Phi trên tinh thần “muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chứng kiến trao ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Ngoại giao Cộng hòa Benin về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Trong khuôn khổ Diễn đàn Franco Tech, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham quan các gian hàng triển lãm của doanh nghiệp, đặc biệt là các gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam như FPT, VinFast, Vietnam Airlines, VietJet. Đại diện doanh nghiệp giới thiệu với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về chiến lược đầu tư tại Pháp và cộng đồng Pháp ngữ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác với các đối tác Pháp ngữ, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu vào đổi mới, sáng tạo và nâng cao năng lực.

Ngày 4-10, tại Paris, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp ông Geoffroy Roux De Bezieux – Chủ tịch danh dự của Nghiệp đoàn Giới chủ Pháp, Chủ tịch Liên minh các nhà tuyển dụng Pháp ngữ, Chủ tịch sáng lập Notus Technologies.

Lãnh đạo các doanh nghiệp Pháp đề xuất những lĩnh vực hợp tác với Việt Nam về xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng tái tạo, hỗ trợ kết nối các lưới điện giữa các nước, nhất là thiết kế cơ chế vận hành tương tác giữa các nước trong điều phối điện… Tin tưởng vào năng lực, nguồn lực phát triển nông nghiệp của Việt Nam, Nghiệp đoàn Giới chủ Pháp sẵn sàng đồng hành với Việt Nam trong lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm mang tính cạnh tranh cao…

Tại cuộc tiếp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Nghiệp đoàn Giới chủ Pháp tiếp tục hỗ trợ và là kênh kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được ký kết sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh hai bên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Nghiệp đoàn Giới chủ Pháp và Liên minh các nhà tuyển dụng Pháp ngữ tăng cường kết nối trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp hai bên có thế mạnh và tiềm năng hợp tác như năng lượng tái tạo; xử lý nước thải, tái chế chất thải; phát triển cơ sở hạ tầng và logistics; công nghệ và đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số; y tế và dược phẩm.