Ryugu cách Trái đất 200 triệu dặm là một vật thể cổ đại còn mang dấu ấn hóa học của hệ Mặt Trời sơ khai. Tàu vũ trụ Nhật Bản Hayabusa2 đã tiếp cận nó và lấy về Trái đất 5,4 g đá bụi vào năm 2020.
Lượng mẫu vật này được xử lý cẩn thận và chia cho các nhà khoa học khắp thế giới nghiên cứu, lần lượt tiết lộ những bằng chứng thú vị về các phân tử tiền sự sống.
Mới đây, một mẫu được gửi đến Anh xuất hiện thứ gây ngạc nhiên nhất: Sinh vật sống. Nhưng đó có thể không phải là tin vui.
Theo Live Science, sau khi Hayabusa2 trở về, các nhà nghiên cứu đã mở hộp chứa mẫu của nó trong một phòng chân không nằm bên trong một phòng sạch để ngăn ngừa ô nhiễm,.
Sau đó, mẫu vật được lưu trữ nó trong một căn phòng tràn ngập nit-ơ áp suất cao trước khi chia vào nhiều bình chứa đầy ni-tơ để vận chuyển khắp thế giới.
Một mẫu trong số chúng đã đến với các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia London (Anh).
Khi nhận được nó, các nhà nghiên cứu đã lập tức quét số đá vũ trụ này bằng tia X và không tìm thấy dấu hiệu nào của vi khuẩn trên bề mặt của nó.
Sau 3 tuần, họ nhúng mẫu vào nhựa để bảo quản và 1 tuần sau đó nữa, họ quét lại bằng kính hiển vi điện tử. Một đàn vi khuẩn dạng sợi bò lổm ngổm hiện ra.
Nhưng thay vì một tuyên bố đầy hào hứng, họ lại đầy hoài nghi.
“Sự hiện diện của các vi sinh vật trong thiên thạch đã được sử dụng làm bằng chứng cho sự sống ngoài Trái đất; tuy nhiên khả năng ô nhiễm trên cạn khiến cách giải thích này gây tranh cãi” – các tác giả viết trên tạp chí khoa học Meteorics and Planetary Science.
Họ nghi ngờ số vi khuẩn này không phải sinh vật ngoài hành tinh bởi chính hình thái và cách phát triển của chúng y hệt một số vi khuẩn đã biết trên Trái đất.
Mặc dù vậy, giả thuyết này cũng rất khó lý giải bởi dường như tất cả các công đoạn đều đem lại sự an toàn tuyệt đối.
Nếu chúng là sinh vật Trái Đất, khó lòng hiểu nổi chúng đã tấn công mẫu vật vào lúc nào và như thế nào.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu vẫn nghiêng về giả thuyết chúng là sinh vật Trái đất hơn.
Họ viết thêm: “Sự hiện diện của các vi sinh vật trên cạn trong một mẫu Ryugu nhấn mạnh rằng các vi sinh vật là những kẻ xâm chiếm vĩ đại nhất thế giới và có khả năng vượt qua các biện pháp kiểm soát ô nhiễm”.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất rằng nên cẩn thận khi phát hiện các vi sinh vật trong các mẫu vật từ không gian, ngay cả khi đã có các biện pháp kiểm soát ô nhiễm nghiêm ngặt.
Chúng không nhất thiết là bằng chứng về nguồn gốc ngoài Trái đất.
Tuy nhiên cả 2 khả năng – chúng là sinh vật ngoài hành tinh hay sinh vật Trái đất – đều cần được kiểm tra cụ thể hơn, nhằm giải thích việc vì sao chúng đột ngột xuất hiện, đã ở trong mẫu vẫn từ khi nào và bằng cách nào.