Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Arabiya mới đây, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo: “Trên thực tế, đây là điều mà Tổng thống Vladimir Putin đã nói: Các tên lửa ATACMS của Mỹ nhắm vào vùng Bryansk đã bị đánh chặn, không thể tiếp cận mục tiêu. Tuy nhiên, những gì đang xảy ra đã vượt qua mọi lằn ranh đỏ”.
Theo ông Medvedev, đây là lý do tại sao Nga sử dụng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới Oreshnik để đáp trả Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin cho biết vào ngày 19-11, 6 tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS của Mỹ tấn công Nga và vào ngày 21-11, tên lửa Storm Shadow của Anh được bắn vào các cơ sở quân sự ở vùng Bryansk và Kursk.
Ông Putin khẳng định hệ thống phòng không của Nga đã đánh chặn hầu hết các tên lửa này.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Arabiya, ông Medvedev không loại trừ kịch bản Nga buộc phải tấn công các căn cứ quân sự của NATO, nhất là trong trường hợp căng thẳng leo thang vì việc sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây sản xuất chống lại Nga.
Ông Medvedev nói: “Nếu xung đột phát triển theo kịch bản leo thang thì không thể loại trừ bất cứ điều gì. Bởi lẽ, các quốc gia thành viên NATO trên thực tế đã tham gia đầy đủ vào cuộc xung đột này”.
Ông Medvedev đưa ra cảnh báo sau khi được hỏi liệu Nga có thể tấn công các trung tâm quân sự ở Romania và Ba Lan hay không, nếu Ukraine tiếp tục sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất để nhắm vào lãnh thổ Nga.
Ông Medvedev khẳng định: “Chúng tôi không muốn kịch bản như vậy. Tất cả chúng tôi đã nói đi nói lại điều đó nhiều lần. Chúng tôi muốn hòa bình nhưng hòa bình này phải xét đầy đủ đến lợi ích của Nga”.
Trong khi đó, phát biểu tại một sự kiện do Viện Nghiên cứu DGAP tổ chức ở Berlin vào ngày 27-11, Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (BND), ông Bruno Kahl, cảnh báo các hành động của Nga nhằm vào các mục tiêu phương Tây cuối cùng có thể khiến NATO cân nhắc kích hoạt Điều 5 về phòng thủ chung.
Ông Kahl dự đoán Nga có khả năng tấn công NATO vào cuối thập kỷ này. Tuy nhiên, đó không phải là một chiến dịch quy mô lớn nhằm vào các quốc gia châu Âu mà chỉ là một chiến dịch giới hạn, như nhắm vào hòn đảo Svalbard của Na Uy ở Bắc Cực hay nước vùng Baltic.
Theo Điều 5 của Hiến chương NATO, bất cứ hành động tấn công hoặc đe dọa nào nhằm vào một trong các thành viên của NATO đều sẽ bị coi là nhằm vào toàn bộ liên minh và cho phép họ tiến hành biện pháp phòng vệ tập thể.