Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa cam kết áp thuế bổ sung lên Trung Quốc, Canada, Mexico trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ. Cụ thể, ông tuyên bố sẽ ký sắc lệnh hành pháp vào ngày 20-1-2025, theo đó áp đặt mức thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico. Ngoài ra, ông dự định tăng thuế thêm 10% đối với mọi sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Những người ủng hộ cho rằng thuế quan sẽ giúp đưa công việc sản xuất từ nước ngoài quay trở lại Mỹ, cũng như tăng cường vị thế của Washington để đàm phán thỏa thuận thương mại có lợi hơn với các quốc gia khác.
Trái lại, các nhà kinh tế cảnh báo bước đi trên, nếu diễn ra, sẽ làm tăng chi phí của các mặt hàng thiết yếu hàng ngày tại Mỹ và kéo giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thị trường tiền tệ gặp biến động
Trước mắt, thông tin trên gây ra phản ứng tức thì trên thị trường tiền tệ với đồng USD tăng hơn 2% so với đồng peso Mexico và đạt mức cao nhất trong 4 năm so với đồng đô la Canada.
“Phản ứng đầu tiên là các nhà đầu tư nên sẵn sàng cho một hành trình đầy biến động trên thị trường tiền tệ” – ông Kamakshya Trivedi, chuyên gia về thị trường ngoại hối, lãi suất và thị trường mới nổi tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), nhận định với đài CNBC.
Chỉ số USD Index – đo lường giá trị đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chính khác – đã tăng 0,25% lên 106,89 hôm 26-11.
Chỉ số này đã giảm 0,6% trong phiên giao dịch trước đó khi các nhà đầu tư hoan nghênh việc ông Trump chọn ông Scott Bessent, nhà quản lý quỹ nổi tiếng, làm bộ trưởng Tài chính.
“Các biến động mạnh mẽ sẽ xảy ra trên thị trường ngoại hối vì tiền tệ ở một mức độ nào đó là phương tiện phản ứng chính đối với mọi thông báo thuế quan” – ông Trivedi nói thêm.
Chuyên gia này cho rằng các nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho những biến động mạnh trên thị trường tiền tệ trong vài tháng tới, và cả về lâu dài, bởi thuế quan nhiều khả năng trở thành yếu tố nổi bật trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Trump.
Các nhà phân tích trước đó nói tác động tiềm tàng đến lạm phát từ kế hoạch tài khóa của ông Trump. Điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (FED) giảm lãi suất với tốc độ chậm hơn, từ đó có thể thúc đẩy USD tăng giá so với các đồng tiền khác như euro và bảng Anh.
Dù vậy, vẫn còn một số yếu tố chưa rõ ràng, như liệu ông Trump sẽ chỉ sử dụng chính sách thuế quan như một công cụ đàm phán hay không và nếu có thì mức độ đến đâu.
Ông Luca Paolini, chiến lược gia trưởng tại Công ty Pictet Asset Management (Thụy Sĩ), cho rằng thị trường dường như mong đợi cuộc chiến thương mại này thực chất chỉ là một tiến trình đàm phán kéo dài, nơi Mỹ đạt được một số điều và Trung Quốc, châu Âu, Mexico có thể phải nhượng bộ.
Trong khi đó, các chiến lược gia tại Ngân hàng ING (Hà Lan) hôm 26-11 nhận định dù mối đe dọa thuế quan của ông Trump có thể chỉ là chiến thuật đàm phán trước khi ông nhậm chức, giới đầu tư có thể gặp rủi ro nếu đánh giá thấp tác động của chúng đối với thị trường tiền tệ.
Thị trường chứng khoán chờ đợi
Trong khi đó, cổ phiếu Mỹ tăng kỷ lục hôm 26-11 (giờ địa phương) bất chấp nỗi lo động thái đánh thuế nói trên của ông Trump làm xáo trộn thương mại quốc tế.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,57%, vượt qua mức cao kỷ lục được thiết lập hôm 11-11. Các chỉ số Nasdaq Composite và Dow Jones Industrial Average lần lượt tăng 0,63% và 0,3%.
Tuy nhiên, một số cổ phiếu nổi bật lại giảm giá, trong đó có General Motors và Ford Motor. Đây là hai công ty nhập khẩu xe từ Mexico, một mục tiêu bị ông Trump đe dọa áp thuế.
Trái với Mỹ, theo đài CNBC, nhiều thị trường chứng khoán ở châu Á và châu Âu đóng cửa trong sắc đỏ hôm 26-11 khi các nhà đầu tư đánh giá tác động của kế hoạch áp thuế nói trên.
Dù ông Trump nhiều lần bày tỏ ý định áp đặt thuế nhằm vào hàng nhập khẩu, các nhà đầu tư vẫn đang xem xét liệu ông có thực sự thực hiện các lời đe dọa này hay chỉ sử dụng chúng như quân bài mặc cả khi đàm phán với các quốc gia khác.
Tình thế giằng co của giá vàng
Giá vàng hôm 26-11 rơi vào tình thế giằng co, giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần khi nhu cầu trú ẩn an toàn giảm bớt sau khi Israel đồng ý thỏa thuận ngừng bắn với phong trào Hezbllah ở Lebanon. Tuy nhiên, nỗi lo về tình hình Ukraine và các kế hoạch áp thuế của ông Trump đã hạn chế mức giảm này.
Hôm 25-11, giá vàng có cú giảm mạnh 100 USD/ounce. Đợt bán tháo này được thúc đẩy bởi tâm lý lạc quan về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah. Ngoài ra, giá vàng còn chịu áp lực thêm bởi việc ông Trump đề cử Bessent làm bộ trưởng Tài chính, khiến nhu cầu vàng như một tài sản trú ẩn an toàn suy yếu.
Vàng thường được xem là khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế và địa chính trị, như chiến tranh thương mại. Cam kết áp thuế nói trên của ông của Trump, theo Reuters, có thể làm bùng nổ các cuộc chiến thương mại và tăng sức hấp dẫn của vàng.
Dù vậy, những rủi ro lạm phát kéo theo có thể khiến FED phải cân nhắc hạn chế cắt giảm lãi suất, từ đó có khả năng gây áp lực lên giá vàng.