Nghiên cứu mới của TS Naoki Ikegami từ Bảo tàng Khủng long Mifune (Nhật Bản) và TS Rodrigo Pêgas từ Đại học São Paulo (Brazil) vừa gọi tên một loài quái vật hoàn toàn mới của kỷ Phấn Trắng.
Đó là một loài dực long được đặt danh pháp khoa học là Nipponopterus mifunensis, sống khoảng 90 triệu năm về trước, theo Sci-News
Dực long – họ hàng biết bay của khủng long – thường không để lại nhiều hóa thạch có độ toàn vẹn cao như các loài bò sát cùng thời kỳ.
“Bản chất mỏng manh của bộ xương dực long khiến cho hồ sơ hóa thạch của chúng đặc biệt không đồng đều và sai lệch” – các tác giả giải thích.
Vì vậy với một phần xương đùi, xương bàn chân, xương đốt bàn chân và đốt sống đuôi được khai quật từ vùng Hokkaido của Nhật Bản, hóa thạch Nipponopterus mifunensis đã là mẫu vật rất đáng quý.
Bằng nhiều phương pháp phân tích, so sánh, nó được xác định là một loài chưa từng được ghi nhận trước đây, là thành viên của Quetzalcoatlinae, một phân họ của họ dực long Azhdarchidae.
Họ Azhdarchidae vốn rất đặc biệt trong dòng dõi dực long nói chung, thường được mô tả với khuôn mặt “ác quỷ” và thân hình siêu khổng lồ, nhiều loài có sải cánh lên tới 5-11 m, tức to lớn hơn nhiều so với mọi loài chim mà bạn có thể nhìn thấy ngày nay.
Với kích thước cơ thể đó, chúng dễ dàng trở thành những bạo chúa của bầu trời và là mối nguy hiểm cho nhiều loài khủng long.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Cretaceous Research, loài này có nhiều đặc điểm gần giống với một loài dực long chưa xác định khác với một phần hóa thạch được tìm thấy ở Mông Cổ.
Dực long là loài động vật có xương sống biết bay đầu tiên trên Trái Đất, xuất hiện lần đầu tiên vào thế Tam Điệp muộn của kỷ Tam Điệp, liên tục tiến hóa, trở nên đa dạng hơn và to lớn hơn vào các kỷ Jura, Phấn Trắng sau đó.
Cùng với khủng long, thương long, ngư long…, những con quái vật bay này cũng nằm trong danh sách nạn nhân của đại tuyệt chủng 66 triệu năm về trước do thảm họa tiểu hành tinh Chicxulub.