Quan sát và bình luận: Cận kề ranh giới

Dù vậy, cuộc xung đột này hiện bị lu mờ đi nhiều bởi giao tranh giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Lebanon cùng các hành động quân sự mà Israel và Iran tiến hành nhằm vào nhau.

Israel thành công với những chiến dịch quân sự nhằm thủ tiêu một loạt lãnh đạo chính trị và quân sự của Hamas và Hezbollah nhưng hứng chịu những cuộc không kích mạnh mẽ của Hezbollah và Iran. 

Israel đã chính thức mở rộng xung đột sang Lebanon khi không kích dữ dội chưa từng thấy và đưa quân đội tràn vào một số vùng của nước láng giềng.

Iran trong tuần này phóng hơn 200 tên lửa vào lãnh thổ Israel và tuyên bố sẽ tấn công quyết liệt hơn nữa nếu đối phương lại xâm phạm chủ quyền và làm tổn hại an ninh của Iran. Cho đến nay, Israel chưa có hành động gì nhưng khẳng định sẽ trả đũa mạnh mẽ, cho rằng Iran đã phạm sai lầm lớn.

Hiện trường cuộc không kích của Israel nhằm vào khu ngoại ô thủ đô Beirut - Lebanon hôm 4-10. Ảnh: REUTERS

Hiện trường cuộc không kích của Israel nhằm vào khu ngoại ô thủ đô Beirut – Lebanon hôm 4-10. Ảnh: REUTERS

Iran đã chần chừ khi thủ lĩnh chính trị của Hamas bị sát hại ở thủ đô Tehran. Nhưng sau khi Israel hạ sát thủ lĩnh của Hezbollah ở Lebanon thì Iran không thể chần chừ được nữa mà buộc phải trả đũa Israel ngay bằng quân sự. 

Tuy nhiên, có thể thấy Iran chỉ nhằm đến tác động chính trị của cuộc tấn công chứ không chủ ý trả đũa Israel – mà Iran gọi là trừng phạt – mạnh đến mức xô đẩy cả hai vào cuộc xung đột thực thụ.

Có thể thấy rất rõ điều này ở chỗ Iran đã thông báo cho Mỹ và một số nước khác trước khi không kích để Israel và các đồng minh có đủ thời gian ứng phó.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mở rộng xung đột sang Lebanon và tiếp tục bất chấp phản ứng của Iran, vì chỉ như thế mới đánh lạc hướng được dư luận về tình trạng bế tắc ở Dải Gaza, ứng phó với áp lực đối nội ngày càng tăng về việc không giải cứu được con tin, không tiêu diệt được Hamas và không có kế hoạch nào cho thời kỳ hậu xung đột.

Ông Netanyahu cá cược vào một thực tế là Mỹ và các đồng minh không thể và không dám buông bỏ Israel nên dẫu bất đồng quan điểm với ông Netanyahu đến mấy thì họ vẫn tiếp tục viện trợ tài chính và quân sự cho Israel và trực tiếp giúp nước này bảo đảm an ninh. 

Tác động trực tiếp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ cũng là một mục tiêu của ông Netanyahu. Xung đột ở Trung Đông càng khốc liệt và lan rộng thì càng có lợi cho triển vọng tái đắc cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhưng cái gì cũng có giới hạn! Và hiện tại, Israel cũng như Hamas, Hezbollah hay Iran đều ngấp nghé ở bên ngưỡng của giới hạn kiểm soát tình hình. Nếu sắp tới Israel tấn công Iran để trả đũa trên danh nghĩa thì chắc Iran sẽ bỏ qua. 

Nhưng nếu Israel không kích với quy mô lớn và mức độ dữ dội hoặc nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran thì tình hình sẽ chuyển theo hướng vượt ngoài tầm kiểm soát của các bên liên quan.