Tờ Bangkok Post ngày 23-9 đưa tin Thái Lan cũng sẽ sử dụng nhiều cơ chế khác nhau, bao hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc để giải quyết các vấn đề trên.
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa gần đây đã hội đàm với các đại sứ của các nước thành viên Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phraya – Mekong (ACMECS) nhằm giải quyết lũ lụt quanh sông Mê Kông.
ACMECS là một khuôn khổ chính trị, kinh tế và văn hóa bao gồm Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia và Myanmar.
Ông Maris cho biết ông đã thảo luận cả kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để giải quyết các vấn đề liên quan đến sông Mê Kông, trong đó có lũ lụt và hạn hán.
Kế hoạch ngắn hạn bao gồm thiết lập hệ thống cảnh báo thiên tai. Ông Maris nhấn mạnh hệ thống này phải phù hợp với Thái Lan, Myanmar và các nước láng giềng do có sự khác biệt giữa các nước này về đặc điểm địa lý.
Về kế hoạch dài hạn, ông Maris nói Bộ Ngoại giao Thái Lan sẽ tổ chức cuộc họp giữa các nước trên lưu vực sông Mê Kông thông qua các cơ chế như ACMECS.
Ngoài ra còn có các cơ chế hợp tác khác như Ủy hội sông Mê Kông (MRC), Hợp tác Mê Kông – Lan Thương (MLC) mà Trung Quốc là thành viên, các khuôn khổ như Mê Kông – Mỹ, Mê Kông – Nhật Bản và Mê Kông – Hàn Quốc.
“Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể giúp các nước sông Mê Kông lắp đặt cơ sở hạ tầng để phòng chống lũ lụt lâu dài. Đồng thời, Thái Lan sẽ tìm kiếm thêm sự trợ giúp từ Hà Lan, nước có chuyên môn về phòng chống lũ lụt, nếu cần thiết” – ông Maria nói thêm.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã giao Bộ Ngoại giao phối hợp với các nước bị ảnh hưởng bởi những vấn đề đang diễn ra quanh sông Mê Kông.