• Trang chủ
  • Quốc tế
  • Tỉ phú Elon Musk có “bảo bối” gì để khuấy đảo chính phủ Mỹ tương lai?

Tỉ phú Elon Musk có “bảo bối” gì để khuấy đảo chính phủ Mỹ tương lai?

Tỉ phú Elon Musk sẽ đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) cùng với doanh nhân Vivek Ramaswamy.

Tại buổi vận động của ông Trump tại Madison Square Garden hồi tháng 10, ông Musk tuyên bố có thể cắt giảm ngân sách liên bang ít nhất 2.000 tỉ USD. Theo Reuters, mục tiêu đầy tham vọng này vượt con số 1.900 tỉ USD chi tiêu tùy ý trong tổng 6,75 ngàn tỉ USD chi tiêu liên bang cho năm tài chính 2024 của Mỹ.

Mục tiêu là gì?

Trong tuyên bố hôm 12-11, ông Donald Trump cho biết bộ này sẽ làm việc bên ngoài chính phủ, “mở đường cho chính quyền mới xóa bỏ bộ máy quan liêu, giảm quy định không cần thiết, cắt chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang”.

Ông Trump cũng muốn bãi bỏ Bộ Giáo dục Mỹ, trao quyền kiểm soát về các bang. Ngoài ra, tổng thống đắc cử muốn loại bỏ “nhà nước ngầm”, khi cho rằng những nhân viên liên bang lâu năm đang ngấm ngầm theo đuổi chương trình nghị sự của riêng họ.

Tỉ phú Elon Musk có "bảo bối" gì để khuấy đảo chính phủ Mỹ tương lai?- Ảnh 1.

Doanh nhân Vivek Ramwswamy (trái) và tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Bloomberg.

Ông Trump và ông Musk đều từng ám chỉ DOGE sẽ cắt giảm chi tiêu mạnh. Song Hiến pháp Mỹ quy định Quốc hội có quyền quản lý ngân sách liên bang. Quốc hội có quyền tiếp thu hoặc bỏ qua đề xuất từ các nhóm bên ngoài như DOGE.

Trên mạng xã hội X, ông chủ Tesla cho biết “mọi hành động của Bộ Hiệu quả chính phủ sẽ được đăng tải trực tuyến để đạt được sự minh bạch tối đa”.

“Bất cứ khi nào công chúng cho rằng chúng tôi đang cắt giảm thứ gì đó quan trọng hoặc chưa mạnh tay với nơi nào lãng phí, hãy cho chúng tôi biết” – ông viết.

Trong khi đó, hôm 12-11, ông Ramaswamy cho biết DOGE sẽ “sớm huy động cộng đồng” đưa ra các dẫn chứng chính phủ tiêu xài hoang phí và cáo buộc gian lận.

DOGE có thể hoạt động theo Đạo luật Ủy ban Cố vấn Liên bang. Đạo luật ra đời từ năm 1972 đảm bảo các bên cung cấp lời khuyên kịp thời, khách quan và công khai; đồng thời yêu cầu kiểm soát chi phí và lưu giữ hồ sơ. 

Hiện Đạo luật Ủy ban Cố vấn Liên bang áp dụng cho khoảng 1.000 bên với khoảng 60.000 thành viên cố vấn cho tổng thống và nhánh hành pháp tại mọi thời điểm.

Người đứng đầu có kinh nghiệm gì?

Sau khi mua lại Twitter, ông Musk đã sa thải khoảng 3.700 nhân viên. Doanh thu giảm khi các bên quảng cáo “di cư” khỏi nền tảng và hàng trăm nhân viên khác cũng nghỉ việc. Sau đó, ông đổi tên Twitter thành X nhưng giá trị của trang đã đi xuống mạnh.

Ông Musk thành công hơn nhiều với SpaceX. Tên lửa Falcon giảm chi phí phóng nhờ khả năng tái sử dụng. Chi phí thấp mở ra cơ hội cho công ty tham gia thị trường vệ tinh, dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới Internet vệ tinh Starlink. Sản phẩm này thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp vệ tinh truyền thống và giúp định hình các chiến lược quân sự hiện đại. SpaceX hiện là nhà thầu quốc phòng lớn.

Ông Steve Grundman – cựu quan chức Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Bill Clinton – hy vọng ông Musk có thể áp dụng kinh nghiệm từ SpaceX cho DOGE. 

“Cách tiết kiệm là xóa bỏ thứ gì đó nhưng đây là nhiệm vụ phức tạp bởi sẽ không bao giờ tìm thấy thứ gì đó hoàn toàn vô dụng” – ông chia sẻ.

Trong khi đó, ông Ramaswamy – người sáng lập công ty dược phẩm Roivant Sciences – làm việc với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). 

Vị doanh nhân này cáo buộc FDA “tham nhũng”. Năm 2023, ông từng viết trên nền tảng X: “Vô số quy định và hành động của FDA là đạo đức giả, gây hại và vi hiến”.

Mỹ từng có tiền lệ thành lập cơ quan tương tự. Vào tháng 2-1982, cựu Tổng thống Ronald Reagan tuyên bố mở một nhóm chuyên gia trong khu vực tư nhân để đề xuất cách loại bỏ tình trạng chính phủ hoạt động kém hiệu quả và lãng phí. Tháng 6 cùng năm, Ủy ban Grace – đặt theo tên người đứng đầu J. Peter Grace – đã được thành lập.

Ủy ban Grace ban hành báo cáo vào tháng 1-1984 với 2.500 khuyến nghị. Song hầu hết khuyến nghị, đặc biệt những đề xuất yêu cầu Quốc hội ban hành luật, đều không bao giờ được thực hiện.

Hồi tháng 3-2017, ông Trump cũng ký lệnh hành pháp nhằm cải thiện hiệu quả, hiệu suất và trách nhiệm giải trình, đồng thời “loại bỏ hoặc tái tổ chức các cơ quan liên bang không cần thiết”. Ông ký một sắc lệnh hành pháp khác đưa lực lượng đặc nhiệm và viên chức “cải cách quy định” vào các cơ quan. Ngoài ra, nỗ lực xóa bỏ ít nhất 19 cơ quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã không thành công.