• Trang chủ
  • Quốc tế
  • Ukraine “bi quan” khi ông Donald Trump chọn đặc phái viên Nga – Ukraine

Ukraine “bi quan” khi ông Donald Trump chọn đặc phái viên Nga – Ukraine

Ông Donald Trump khen ngợi ông Keith Kellogg trên mạng xã hội Truth Social ngày 27-11: “Ông Keith đã lãnh đạo một sự nghiệp quân sự và kinh doanh nổi bật, bao gồm cả việc đảm nhiệm các vai trò an ninh quốc gia rất nhạy cảm trong chính quyền đầu tiên của tôi. Ông ấy đã sát cánh cùng tôi ngay từ đầu! Cùng nhau, chúng ta sẽ bảo đảm hòa bình thông qua sức mạnh, và làm cho nước Mỹ cũng như thế giới an toàn trở lại”.

Như vậy, ông Kellogg, một trung tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu 80 tuổi, sẽ đảm nhiệm vai trò đặc phái viên này khi xung đột Nga – Ukraine bước sang năm thứ 3.

Tuy nhiên, theo tờ Hill, phản ứng ban đầu đối với việc ông Trump gọi tên người làm đặc phái viên hòa bình Ukraine khá hờ hững. Một nhà phân tích an ninh giấu tên chia sẻ với tờ báo này: “Đó là một cú hích nhưng không khủng khiếp, không quá kinh ngạc”.

Trong khi đó, ông Oleh Shamshur, cựu đại sứ Ukraine tại Mỹ, tỏ ra bi quan trước quyết định chọn tướng Kellogg.

Ông Keith Kellogg xuất hiện tại phiên điều trần của ủy ban Thượng viện về lực lượng vũ trang vào tháng 2-2023. Ảnh: Newscom/Alamy

Ông Keith Kellogg xuất hiện tại phiên điều trần của ủy ban Thượng viện về lực lượng vũ trang vào tháng 2-2023. Ảnh: Newscom/Alamy

Ông Kellogg từng là cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Mike Pence trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Sau đó, ông trở thành quyền cố vấn an ninh cho ông Trump sau khi tướng Michael Flynn từ chức vào năm 2017.

Vào tháng 6, hãng Reuters loan tin ông Kellogg và một cố vấn hàng đầu khác của Trump – ông Frederick H. Fleitz đã đề xuất với tổng thống đắc cử kế hoạch ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine, nhằm gây áp lực buộc Kiev ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với Nga.

Hai người này cũng được cho là đã đề xuất không xem xét tư cách thành viên Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho Ukraine.

Khi đó, ông Kellogg nói với Reuters rằng ông sẽ nhấn mạnh việc ủng hộ hai bên đàm phán.

Ông Kellogg nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ nói với phía Ukraine, các vị phải ngồi vào bàn đàm phán, nếu không, Mỹ sẽ cắt viện trợ. Chúng tôi cũng nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông ấy phải ngồi vào bàn đàm phán, nếu không chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine mọi thứ để đối phó Nga”.

Nhận định về kế hoạch hòa bình của tướng Kellogg, ông Luke Coffey, thành viên cấp cao tại Viện Hudson, đánh giá kế hoạch trên không phải là “một đề xuất thực tế”.

Mặc dù các chi tiết cụ thể của chiến lược vẫn đang được xây dựng, nhưng ông Mike Waltz, người được ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, đang cân nhắc đề xuất của ông Kellogg.

Nguồn tin của đài CNN cho biết trước tiên ông Trump có thể thúc đẩy lệnh ngừng bắn để tạm thời đóng băng xung đột trong khi hai bên đàm phán. Ngoài ra, đội ngũ của ông Trump cũng sẽ kêu gọi các đồng minh châu Âu và NATO chia sẻ thêm gánh nặng hỗ trợ Ukraine.

Kết quả của cuộc xung đột tại Ukraine được nhiều người quan tâm trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Trump. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột nhưng chưa nêu rõ phương thức.