Chỉ có một số ít máy bay không người lái (UAV) phản lực có sải cánh dài 20 m đang tồn tại. Giờ đây, một trong số chúng – hoặc ít nhất là mảnh vỡ của nó – đang nằm trong tay Ukraine và đồng minh.
“Họ sẽ tháo rời chiếc UAV này đến con vít cuối cùng và tất nhiên là làm quen với cấu tạo phong phú bên trong của nó” – Fighterbomber, kênh Telegram không chính thức của Không quân Nga, khẳng định.
Hiện chưa rõ điều gì khiến chiếc UAV tàng hình bị bắn hạ. Đoạn video quay từ mặt đất cho thấy một chiến đấu cơ phóng tên lửa, khiến nó rơi xuống đất.
Liệu đó là chiến đấu cơ của Ukraine? Hay đó là chiến đấu cơ của Nga? Kịch bản thứ nhất nhiều khả năng xảy ra hơn nhưng kịch bản thứ hai cũng không phải là ngoài sức tưởng tượng.
Nếu chiếc Okhotnik gặp trục trặc, quân đội Nga có thể đã chọn bắn hạ nó thay vì mạo hiểm khiến nó hạ cánh gần như nguyên vẹn bên trong phòng tuyến của Ukraine, giới chuyên gia nói với Forbes.
Khả năng cao là chiếc Okhotnik đã gặp phải mạng lưới gây nhiễu sóng vô tuyến dày đặc dọc theo khu vực tiền tuyến.
Chiếc UAV này có thể không tự vận hành hoàn toàn mà phụ thuộc vào kết nối ổn định với người vận hành trên mặt đất.
Đó là chi tiết thiết kế mà các nhà phân tích Ukraine và đồng minh giờ đây có thể xác nhận khi họ kiểm tra tàn tích của Okhotnik.
Có hình dạng tương tự máy bay ném bom tàng hình Northrop Grumman B-2 của Mỹ, Okhotnik về mặt lý thuyết có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ của đối phương.
Okhotnik – có nghĩa là “thợ săn” trong tiếng Nga – cùng lớp với UAV Tian Ying của Trung Quốc và UAV trinh sát Lockheed Martin RQ-170 của Mỹ.
Những hình ảnh đầu tiên của Okhotnik xuất hiện cách đây 5 năm nhưng hiện chưa rõ liệu tập đoàn Sukhoi (Nga) đã chế tạo đủ Okhotniks – hoặc đã thử nghiệm đủ – để đưa UAV này ra tiền tuyến hay chưa.
Okhotniks có thể vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Không quân Nga từng không ít lần triển khai máy bay đang thử nghiệm đến vùng giao tranh để thu thập dữ liệu thực tế.
Dù vậy, việc mất đi một máy bay hiếm và đắt tiền trong quá trình thử nghiệm chiến đấu là một bước lùi lớn đối với nỗ lực phát triển.