• Trang chủ
  • Quốc tế
  • Bị tên lửa ATACMS đánh trúng S-400, Nga chuẩn bị trả đũa Ukraine mạnh tay?

Bị tên lửa ATACMS đánh trúng S-400, Nga chuẩn bị trả đũa Ukraine mạnh tay?

Tuyên bố được đưa ra sau khi Kiev tiếp tục bắn tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất vào lãnh thổ Nga bất chấp cảnh báo trước đó từ Điện Kremlin.

Ông Lavrov nói với báo Rossiyskaya Gazeta: “Các cuộc tấn công tên lửa vào sâu bên trong lãnh thổ Nga là động thái leo thang. Tất cả cảnh báo của chúng tôi về việc những hành động không thể chấp nhận được này sẽ phải đối mặt với phản ứng thích đáng đều bị phớt lờ”.

Bị tên lửa ATACMS đánh trúng S-400, Nga chuẩn bị trả đũa Ukraine mạnh tay? - Ảnh 1.

Một mảnh vỡ của tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất được bắn vào khu vực Kursk của Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Ông Lavrov cảnh báo những ai đứng sau các cuộc tấn công vào công dân và cơ sở hạ tầng của Nga sẽ phải đối mặt với “hình phạt xứng đáng”. Ông nói thêm rằng “không có sự leo thang nào đến từ kẻ thù” có thể buộc Nga phải từ bỏ mục tiêu của mình ở Ukraine.

Ông Lavrov tái khẳng định Moscow vẫn cam kết vô hiệu hóa các mối đe dọa đối với an ninh của Nga, bao gồm cả nguyện vọng của Ukraine muốn gia nhập liên minh NATO.

Trong một bài phát biểu trên video vào tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow có quyền tấn công các quốc gia cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để chống lại Nga.

Theo đài RT, Bộ Quốc phòng (MOD) Nga hôm 26-11 cho biết đang chuẩn bị một phản ứng không xác định đối với các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào một khẩu đội phòng không S-400 và một sân bay ở khu vực Kursk. Theo MOD, Kiev đã sử dụng tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất trong các cuộc tấn công vào ngày 23 và 25-11.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang tích cực làm việc để hoàn tất gói vay trị giá hàng tỉ USD cho Ukraine từ các tài sản của Nga bị phương Tây đóng băng.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp G7 ở Ý, ông Blinken cho rằng cam kết của nhóm G7 là đảm bảo Kiev có đủ tiền và đạn dược để tiếp tục chiến đấu “hiệu quả” vào năm 2025 hoặc tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào với Moscow ở một vị thế mạnh mẽ.

Ông Blinken tuyên bố: “Để hỗ trợ Ukraine, chúng tôi đang hoàn tất việc giải ngân 50 tỉ USD được bảo đảm dựa trên cơ sở các tài sản có chủ quyền của Nga đang bị đóng băng”.

Mỹ và đồng minh đã đóng băng khoảng 300 tỉ USD tài sản thuộc về ngân hàng trung ương Nga sau khi xung đột Ukraine leo thang vào tháng 2-2022. Vào tháng 6, các thành viên G7 đã cam kết khoản vay 50 tỉ USD cho Kiev, khoản vay này sẽ được trả bằng tiền của Nga.

Phần lớn số tiền bị đóng băng, khoảng 206 tỉ USD, đang được giữ tại Euroclear. Trung tâm thanh toán này có trụ sở tại Brussels ước tính các tài sản của Nga bị tịch thu đã tạo ra 5,4 tỉ USD tiền lãi trong 3 quý đầu tiên của năm tài chính này.