• Trang chủ
  • Quốc tế
  • Con mắt chuyển động giữa Sahara do “sát thủ vũ trụ” để lại

Con mắt chuyển động giữa Sahara do “sát thủ vũ trụ” để lại

Một phân tích từ Viện Mặt trăng và hành tinh (LPI – Mỹ) chỉ ra cấu trúc hình con mắt bí ẩn mà các vệ tinh đã chụp được giữa sa mạc Sahara là dấu tích của một “sát thủ vũ trụ” cổ xưa.

Đó là một cấu trúc hết sức ma quái với hình con ngươi in rõ nét giữa vùng sa mạc không người phía Bắc Chad, bên trong “tròng trắng” là những đụn cát liên tục chuyển dịch làm con mắt này giống như đang có sự chuyển động.

Con mắt chuyển động giữa Sahara do "sát thủ vũ trụ" để lại- Ảnh 1.

Con mắt bí ẩn giữa Sahara là dấu vết một kẻ tấn công từ vũ trụ để lại – Ảnh: NASA

Kể từ khi được chụp rõ nét từ không gian vào năm 2013, các nhà khoa học đã nỗ lực tìm hiểu nó là cái gì, cũng như theo dõi sự thay đổi theo thời gian.

Các kết quả mới nhất đã xác nhận nó là một hố va chạm cổ đại rộng tới 12,6 km, với nhiều “cồn cát di cư” bên trong, mỗi năm có thể chuyển dịch tận 30 m.

Con mắt chuyển động giữa Sahara do "sát thủ vũ trụ" để lại- Ảnh 2.

Hố va chạm cổ đại trong bức ảnh toàn cảnh – Ảnh: NASA

Hố va chạm được tạo thành từ hai vành đai, làm nên vẻ ngoài giống như một con mắt to tròn, đang nhìn trừng trừng của thú dữ: Vành đai bên trong có một ngọn đồi ở giữa hoặc cấu trúc nâng lên chưa xác định, trông giống như một con ngươi; vành đai bên ngoài trông như mí mắt.

Các vành đai hiện tại cao đến 100 m so với mặt đất xung quanh, nhưng đó là do chúng đã bị xói mòn theo thời gian. Chiều cao nguyên thủy của chúng có thể lớn hơn đáng kể.

Các chuyên gia tin rằng cấu trúc này hình thành cách đây khoảng 345 triệu năm và có khả năng được tạo ra bởi một thiên thạch có đường kính khoảng 600 m.

Với kích cỡ đó, nó phải là thứ được các nhà thiên văn hiện đại gọi là “tiểu hành tinh sát thủ thành phố”, tức đủ mạnh để xóa sổ hoàn toàn một thành phố nếu lao xuống địa cầu thời nay.

Con mắt chuyển động giữa Sahara do "sát thủ vũ trụ" để lại- Ảnh 3.

Hình ảnh mô tả một số cồn cát dịch chuyển bên trong “tròng trắng” – Ảnh: NASA

Vào mốc 345 triệu năm trước, con người còn rất lâu mới hiện diện. Tuy vậy, chắc chắn hệ sinh thái đã khá phong phú vào thời điểm đó đã thiệt hại nặng bởi thảm họa đúng nghĩa “từ trên trời rơi xuống” này.

Khối đá vũ trụ to lớn này đủ gây ra thiệt hại trên diện rộng khắp phía Bắc châu Phi và thậm chí có thể gây ra các hiệu ứng khí hậu trên quy mô toàn cầu.

Việc các cồn cát di động trên sa mạc không phải điều lạ lùng, nhưng chính cấu trúc phức tạp mà vụ va chạm gây ra đã tác động đến cách di chuyển của các cồn cát và làm cho hình ảnh tổng thể thêm phần ma quái.

Việc phát hiện những “vết sẹo” khủng khiếp tương tự trên khắp bề mặt Trái Đất là động lực thúc đẩy các nhà khoa học vũ trụ thiết kế và nâng cấp các sứ mệnh phòng thủ hành tinh, bởi những vụ tấn công như thế có thể lặp lại bất cứ lúc nào.